Chủ tịch Vinatex: Lương tổng giám đốc 30 triệu, muốn tuyển người giỏi phải trả 3.000 USD

Theo lãnh đạo Vinatex, cả 3 điều kiện để phát triển dệt may là thị trường, nhân lực và hạ tầng đều đang yếu.

Tại cuộc làm việc với Tổ công tác Chính phủ ngày 20/6, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may đã nêu những khó khăn mà ngành dệt may, cũng như chính bản thân tập đoàn đang mắc.

"Cả 3 điều kiện để phát triển dệt may là thị trường, nhân lực và hạ tầng thì đều đang vướng nhiều chuyện", Chủ tịch Vinatex mở đầu phần giải trình.

Đề cập tới điểm yếu nhất hiện nay của tập đoàn là nhân sự, đội ngũ quản lý, ông dẫn chứng, làm một dự án ở miền Trung phải điều người quản lý ở Hà Nội hay TP HCM vào vì nhân sự tại chỗ không đáp ứng được. Muốn tuyển người giỏi về làm việc tại tập đoàn cũng không dễ khi các tập đoàn nước ngoài “mời chào” họ mức lương nghìn USD, trong khi nếu về tập đoàn lương chỉ hơn chục triệu.

Dù đã được cổ phần hóa, nhưng chính sách đãi ngộ của Vinatex, cũng giống các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước khác, là có hạn. Nhiều trường hợp muốn tuyển người tài, giỏi về làm việc nhưng lương trả thấp họ cũng “lắc đầu”.

“Lương Chủ tịch, tổng giám đốc 30 triệu đồng một tháng, nhưng muốn tuyển nhân lực giỏi thì không thể trả dưới 3.000 – 5.000 USD, cao hơn lương Chủ tịch”, ông Nghị nêu thực tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với Vinatex ngày 20/6. Ảnh: Nhật Bắc

Khó khăn tuyển người tài, Việt Nam còn gặp phải điểm nghẽn nữa là "đang ở cạnh một cường quốc dệt may khổng lồ". Ông Nghị phân tích, chỉ riêng phần trợ giá cho xuất khẩu mà doanh nghiệp Trung Quốc nhận được từ Chính phủ là 15%, thì chúng ta đã thua.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đặt hàng tại Việt Nam đều chỉ định dùng vải Trung Quốc vì có mối quan hệ làm ăn lâu năm với đối tác này.

“Khi đàm phán hợp đồng chúng tôi đề nghị họ dùng vải Việt Nam với chất lượng và giá cạnh tranh với vải Trung Quốc, nhưng đối tác từ chối và yêu cầu dùng vải nhập từ Trung Quốc. Họ lo lắng quy mô sản xuất của chúng ta nhỏ, khi đơn hàng tăng cần lượng vải lớn thì nguồn cung trong nước không đáp ứng được. Chúng ta đang phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt trong sản xuất dệt may", ông Nghị nói và cho biết, đó là chưa kể quy mô sản xuất của họ là đại công xưởng nên suất chi phí sản xuất cũng thấp hơn nhiều các nước, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước, bởi họ liên kết theo chuỗi, có 'hậu phương' vững chắc là các nhà cung cấp từ “đại công xưởng” Trung Quốc.

“Cùng sản xuất một lĩnh vực, mặt hàng nhưng ông sản xuất một triệu mét với ông sản xuất theo phương thức đại công nghiệp 10 triệu mét thì chắc chắn ngay giá đầu vào đã được nhà cung cấp ưu tiên rồi”, lãnh đạo Vinatex than.

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may hy vọng “cứu cánh” là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì không còn nữa, thay vào đó phải tiếp tục khai thác, sử dụng các Hiệp định thương mại (FTA), song cũng rất hạn chế.

"Thị trường châu Âu sụt giảm nghiêm trọng, Nhật là thị trường bền vững, gắn bó nhưng rất khó tính. Chỉ có Mỹ dễ tính, có thể bùng nổ về số lượng nhưng lại bị bảo hộ”, ông Nghị nói.

Ghi nhận những khó khăn mà ngành dệt may đang gặp, nhưng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, thách thức nhiều nhưng cơ hội là có với ngành dệt may.

Nhắc lại một lần nữa vai trò của ngành này trong đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng chung của cả nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giao chỉ tiêu cho tập đoàn phải đạt kim ngạch xuất khẩu 3,1 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với kế hoạch.

“Đây là vấn đề hết sức tích cực, đề nghị tập đoàn hứa là phải làm, đưa ra giải pháp mạnh nhất, cụ thể từng tháng. Quan trọng nhất là tiếp cận thị trường”, Bộ trưởng nói.

Tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ cũng yêu cầu Vinatex đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp, coi đây là cốt lõi trong phát triển của tập đoàn.

Theo Anh Minh/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/chu-tich-vinatex-luong-tong-giam-doc-30-trieu-muon-tuyen-nguoi-gioi-phai-tra-3000-usd-190980/