Chủ tịch Hà Nội: 'Mục tiêu là yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong 1 tuần'

Sáng nay 28/11, lần đầu tiên UBND TP Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”.

Hội nghị là một dịp để chính quyền TP Hà Nội lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp (DN), trên cơ sở đó đưa ra giải pháp, giải quyết, tạo điều kiện cho DN, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào quá trình chuyển dịch nền kinh tế Thủ đô cũng như cả nước.

Tới dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng các thành viên UBND TP Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và hơn 400 đại diện các DN, hiệp hội DN ở Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời các thắc mắc, kiến nghị từ doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rào cản

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Quang Hiển cho biết, sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ và Kế hoạch 85 của UBND TP Hà Nội thực thi, Hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức 8 diễn đàn cải thiện môi trường kinh doanh, 15 cuộc xúc tiến thương mại nội khối, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì. Cùng với đó là các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Đỗ Quang Hiển

Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Hiển cũng thẳng thắn chỉ ra một số thực trạng chưa được giải quyết triệt để như: Thủ tục cấp sổ đỏ cho tài sản DN trên đất sau khi cổ phần hóa còn mất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội; Khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác sản xuất công nghiệp phụ trợ tại Hà Nội; Quốc hội chưa thông qua luật hỗ trợ DN NVV các quỹ hỗ trợ và bảo lãnh tín dụng cho các DN NVV hoạt động chưa hiệu quả.

Ông Hiển nêu ra một loạt các khó khăn: “Các DN khởi nghiệp, DN NVV gặp nhiều rào cản, chưa tiếp cận được các DN lớn, DN FDI vốn dĩ là các khách hàng tiềm năng; Chưa có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, về đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế thoái vốn đầu tư”.

Một ý kiến đáng lưu tâm khác đến từ Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô, đó là trước đây DN này đã tham gia đấu giá đất ở huyện Từ Liêm. Theo quy hoạch cũ khu đất này được xây dựng nhà cao tầng nhưng sau đó, cũng theo quy hoạch, khu đất đã được đấu giá lại không được xây cao tầng nữa, vì thế DN gặp nhiều khó khăn do không có sản phẩm để bán.

Thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết thủ tục cho DN

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp cụ thể.

Liên quan đến quy trình DN xin ý kiến các sở, ban, ngành, từ đầu 2016, tập thể lãnh đạo TP và các sở, ban, ngành đã họp về vấn đề này.

“Trước đây quy trình này phải trải qua từ 3 – 5 vòng, qua cải cách đến nay còn 2 vòng. Chúng tôi cam kết từ 1/1/2017 thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong 1 lần cho DN. Chủ trương này đã được bàn bạc kỹ trong 6 tháng vừa qua. Mục tiêu của chúng tôi là yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong 1 tuần” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Liên quan tới vướng mắc của DN trong việc thực hiện các thủ tục liên thông, người đứng đầu chính quyền TP cho hay, tập thể ban cán sự TP đã làm việc để tiến tới ủy quyền cho Hà Nội phê chuẩn, giảm bớt thời gian thẩm định, phê chuẩn tại các sở, các bộ.

“Đối với vấn đề cổ phần hóa và nắm giữ cổ phần DN, toàn bộ kế hoạch cổ phần hóa của các bộ, ban, ngành đã trình lên Chính phủ phê duyệt, gồm các nội dung quan trọng: Tất cả các công ty vốn nhà nước khi đã cổ phần hóa sẽ cổ phần hóa 100%; rà soát toàn bộ nội dung mà các DN đăng ký cổ phần hóa, trong đó có vấn đề liên quan tới quyền sử dụng đất. TP và VCCI sẽ đồng hành và cùng giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Hiện nay TP mới chỉ kết nối ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần đối với DN. Trong thời gian qua chúng tôi đã kết nối cho một số DN đầu tư về nước, DN vừa và nhỏ để được vay với mức lãi suất thấp hơn. Trong thời gian tới, TP hướng tới một quỹ do nhà nước và DN cùng đóng góp”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại của TP, Chủ tịch Hà Nội cho biết đã được đưa về một đầu mối là Trung tâm xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên việc đưa các DN đi hội nghị, quảng bá, ký kết chưa có hiệu quả, kết quả đạt được so với số tiền bỏ ra xúc tiến đầu tư thậm chí còn thấp hơn. Sắp tới, quỹ xúc tiến đầu tư sẽ được cơ cấu lại.

Trả lời câu hỏi của Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã tổ chức họp ba phiên để giải quyết những vấn đề tồn tại mà đại diện DN nêu. Về GPMB, vừa qua, TP đã chuyển toàn bộ công tác GPMB giao cho Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm chịu trách nhiệm, không cần thông qua quỹ đất. Với cơ chế này, thủ tục sẽ được rút ngắn. Về hạ tầng khung xung quanh khu quy hoạch này, gồm 2 loại: Một số hạ tầng khung TP đang đầu tư dở và chưa xây dựng. TP đã giao cho quận Nam Từ Liêm hoàn thiện phần dở. Với hạ tầng khung chưa làm, giao cho 23 DN bỏ tiền ứng trước. Số tiền này sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất.

Về quy hoạch, các quy hoạch khu có thay đổi, Chủ tịch Hà Nội cho biết, qua kiểm tra có những ô do cập nhật quy hoạch của Sở QHKT và Viện Quy hoạch có nhầm lẫn. TP sẽ tiếp thu và thời gian tới sẽ kiểm tra kỹ lưỡng, trả lời DN trong tuần tới. Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Giám đốc Sở QHKT có văn bản trả lời cụ thể tới đại diện DN.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chu-tich-ha-noi-muc-tieu-la-yeu-cau-cua-dn-se-duoc-giai-quyet-trong-1-tuan-post214747.info