Chủ tịch FPT đề xuất về quốc lộ không có barie, thu phí không dừng

Ước mơ một tấm thẻ trả phí cho các loại phương tiện

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016), Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình cho biết: “Ước mơ đầu tiên của người dân là không có barrie khi lưu thông trên mọi tuyến đường toàn quốc. Thứ hai, đi lại trong thành phố người dân cũng không cần “rút ví, rút thẻ ra - vào liên tục” để thanh toán và cuối cùng, chỉ cần một thẻ nhưng người dân có thể dùng để trả phí cho các loại phương tiện khác nhau”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam bày tỏ “mong muốn đơn giản của người dân” là có một loại thẻ thống nhất dùng trong tất cả các loại phương tiện giao thông. “Người dân muốn được rút ngắn thời gian tham gia giao thông, mong muốn hết sức đơn giản vậy thôi”, ông Thanh nhấn mạnh.

Nói về thực trạng thu phí ở Việt Nam hiện nay, ông Vũ Quang Lâm - thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc VETC cho biết, Việt Nam hiện có hơn 21.000 km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỉ đồng, phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỉ, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỉ đồng.

“Những con số này thể hiện lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông trên đường quốc lộ, cao tốc, tại các trạm thu phí, trong nội đô hay các điểm đỗ, gửi xe... Điều này đòi hỏi một hình thức vận hành hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, đơn giản trong việc khai thác và sử dụng nhưng đồng thời minh bạch, chặt chẽ trong quản lý”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Tasco, hiện nay đa phần các dự án BOT giao thông áp dụng trạm thu phí công nghệ cũ (thu phí bằng tay, thu phí một dừng bằng mã vạch) đã thể hiện những nhược điểm do không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông và khó bảo đảm được tính minh bạch, nguy cơ thất thoát phí. Vì thế, giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp đưa việc vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải đạt đến trình độ phát triển mới, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

4 kiến nghị áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình đưa ra 4 kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị.

Thứ hai, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ GTVT, UBND các địa phương, phối hợp với NHNN và các bộ ngành thống nhất, đồng bộ, sớm ban hành chuẩn kỹ thuật và thanh toán nhằm kết nối liên thông thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng cũng như khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác.

Thứ ba, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.

Thứ tư, kiến nghị NHNN, Bộ GTVT phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong GTVT.

Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay Bộ đang đưa ra 3 lộ trình thu phí. Giai đoạn một là thu phí không dừng nhưng vẫn cần barie, điều này thì vẫn mất thời gian. Việt Nam phải nạp tiền, đảm bảo có tiền rồi thì barie mới mở cửa. Giai đoạn 2 là không cần người ở trạm thu phí mà chỉ có đầu đọc và đầu thu. Giai đoạn 3 còn cao hơn nữa qua ETC như ở Nhật Bản, tức là người lái xe thông qua trạm thu phí mà không cần phải dừng lại. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giai đoạn 1 và phấn đấu đến năm 2019 bỏ barie.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/chu-tich-fpt-de-xuat-ve-quoc-lo-khong-co-barie-thu-phi-khong-dung-615107.bld