Chú Sáu Dư 'một thời đạn bom, một thời hòa bình'

BPO - Lần giở theo lịch sử, tôi hỏi thăm tìm đến ông. Căn nhà trên đường Nguyễn Huệ, thị xã Bình Long, phía ngoài là tiệm bán sách và đồ dùng học sinh, phía trong và trên căn gác nhỏ là khu sinh hoạt và bàn thờ tổ tiên. Đường Nguyễn Huệ cũng là quốc lộ 13 nên xe qua lại liên tục, khách ghé tiệm cũng nhiều, bàn ghế đều nhỏ nhắn và đã cũ… thế nhưng tất cả đều sạch sẽ đến kinh ngạc và được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng như trong một bức tranh. Bà con lối xóm và khách ghé mua hầu hết gọi chủ tiệm là “thầy Dũng”. Lý do rất đơn giản, bởi, ông vốn là giáo viên dạy lịch sử của Trường THPT Bình Long, nay đã nghỉ hưu và rất tự nhiên theo thói quen của mình, tôi cũng gọi “thầy Dũng” như thế!

Nhưng ấn tượng mạnh ấy chưa lắng xuống, là ấn tượng mạnh hơn: “Yên tâm! Ông tự lên. Em đi sau ông cho yên tâm là được” - thầy Dũng trả lời khi tôi có chút băn khoăn về việc để một người chỉ hơn 1 tuần nữa là bước sang tuổi 96, là ba của thầy, leo cầu thang lên sân thượng của căn nhà. Và rồi, ông vừa bám thanh chắn vừa bước lên từng bậc và nói “Đi được. Quen thì đi được thôi”.

Ban mai được che nắng bởi vườn cây dầu phía sau. Không khí trong lành, thoáng đãng buổi sớm, chỉ ít phút sau, những câu chuyện về chiến tranh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả những câu chuyện về thời kỳ đầu xây dựng quê hương Bình Long sau giải phóng cũng như một số vấn đề thời sự bây giờ, đã được phác họa lại qua trí nhớ và tư duy của một người ở tuổi đại thọ, nhưng gần như chính xác tất cả các dấu mốc lịch sử trong chặng đường ông đã đi qua, chặng đường của chú Sáu Dư.

Sáu Dư tên gọi theo bí danh của ông trong kháng chiến. Sau giải phóng, ông thường được gọi theo bí danh ấy. Ông tên thật là Lê Văn Cho, sinh năm 1926, tại Thuận Nghĩa Hòa, Thanh Hóa, Long An, nhập ngũ năm 1945, kết nạp Đảng năm 1948. Từ năm 1972-1976, ông là Bí thư Huyện ủy Chơn Thành, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản. Trước khi chuyển sang dân sự năm 1972, ông là Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bình Long.

Từ năm 1976-1983, ông là Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Long và Phó bí thư Huyện ủy Bình Long, rồi nghỉ hưu.

23 tuổi - Tiểu đội trưởng của Tiểu đoàn 307 huyền thoại

Đã ở tuổi đại thọ, nhưng trí nhớ của ông vẫn khá minh mẫn, mạch lạc. Điều gì không nhớ rõ, như khi ông cố nhớ vì sao Trung ương Cục miền Nam thành lập Phân khu Bình Phước năm 1971, đến năm 1972 lại giải thể Phân khu Bình Phước và thành lập tỉnh Bình Phước, ông sẽ nói “việc này lâu quá rồi, không nhớ nữa”, việc gì không tham gia, như khi hỏi ông về chốt chặn Tàu Ô, ông nói thẳng “không tham gia”, gặng hỏi thêm, ông cũng chỉ trả lời “chốt thép, nghe nói đánh dữ lắm, quân chính quy, nhưng không biết chính xác”… Còn những trận đánh ông tham gia, như trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, hay xa hơn là nhóm cán bộ đi tăng cường để bổ sung thành lập Phân khu Bình Phước năm 1961 hay những ngày đem một lượng tiền rất lớn, tương đương hàng ngàn cây vàng từ miền Tây lên giao cho cách mạng ở Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, thậm chí từ những ngày đầu tham gia cách mạng... ông kể rành rọt từng chi tiết, thậm chí nhớ được tên của nhiều đồng đội lúc đó.

Chú Sáu Dư có đánh giá khách quan về sự khác nhau giữa các thế hệ đi trước và thế hệ hiện nay

“Mình không đánh nó thì nó đánh mình. Lúc ấy, mình thua nó tất cả, chỉ có thứ duy nhất, cũng là thứ quý giá nhất hơn nó, đó là lòng yêu nước, thương đồng bào. Bác Hồ kêu gọi tổng khởi nghĩa, thế là mình đi thôi. Không sợ nó. Không sợ chết. Gậy trong tay là đi” - chú Sáu Dư kể về những ngày đầu tham gia cách mạng của mình năm 1945. Và từ đó, ông trở thành chiến sĩ Chi đội 14, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Đúng 1 năm sau, tháng 8-1946, ông đã là Tiểu đội phó, Đại đội 1075, Trung đoàn 120, Tân An. Và đến tháng 11-1949, ông đã là Tiểu đội trưởng của một tiểu đội thuộc Tiểu đoàn anh hùng 307 huyền thoại.

Những câu chuyện lịch sử, những dấu chân mà ông đi qua, rất nhiều, rất dài và sống động. Nói về đồng đội, về những trận đánh, những quyết định quan trọng… ông mô tả rất chính xác, hào hứng, giàu cảm xúc, như một thước phim vừa trôi qua. Khi nói về vết thương của mình, ông cười rất sảng khoái. “Nó bắn đạn bay miệng tao mà không chết, chỉ bị thương” - ông vừa nói theo cách xưng hô thân mật của người miền Tây, vừa đưa tay lên chỉ vào cằm bên phải và cười muốn “té ghế” khi kể lại việc bị bắn qua xương hàm bên phải.

Những trang hồi ký chưa mở

95 tuổi, những câu chuyện của ông vẫn rất đời, sảng khoái, sâu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc. Ông nói chuyện thường giơ 2 cánh tay, 2 bàn tay vào - ra, lên - xuống, nắm vào - xòe ra… minh họa cho điều muốn diễn đạt, rất dứt khoát. Nhiều lúc muốn nhấn mạnh vấn đề nào đó hoặc bày tỏ cảm xúc về một chuyện gì đó, ông vẫn nói vừa phải nhưng dứt khoát và dùng 5 đầu ngón tay - thường là tay phải, gõ lên mặt bàn cũng mức vừa phải, đủ để tăng cảm xúc cho người nghe.

Một số giấy tờ của ông còn lưu giữ đến hôm nay

Ông nói chầm chậm, rất rõ: “Về trình độ, thời chúng tôi không bằng lớp đi sau, càng đi sau càng được đào tạo, được học hành giỏi giang. Về ý chí, mỗi thế hệ có một hướng, có một quyết tâm riêng. Chúng tôi nói đánh là đánh, đánh phải thắng. Thế hệ trẻ nói là làm, làm tốt. Đây là một lý do tôi xin nghỉ hưu sớm để anh em được đào tạo tốt hơn gánh vác công việc. Lý do còn lại là sức khỏe tôi không tốt, muốn nghỉ ngơi”.

“Tư lợi, nói rõ là cán bộ tư lợi, thời chúng tôi cũng có người tư lợi chứ không phải không có, nhưng ít, còn bây giờ thì nhiều hơn, nhiều người hơn, tư lợi nhiều hơn”.

Chú Sáu Dư nói một trong những vấn đề cần quan tâm hôm nay.

“Bình Long ngày tôi làm chủ tịch đơn sơ lắm. Bây giờ nhà san sát rồi, khang trang. Đồng Xoài thì mạnh rồi, dạo qua dự kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang, tôi đã thấy hoành tráng lắm”.

Chuẩn bị chia tay, tôi bày tỏ cảm phục về trí nhớ và sự minh mẫn của “chú Sáu Dư”, lúc này thầy Dũng mới đưa cho xem một số kỷ vật của cha mình. Và một lần nữa, tôi lại có ấn tượng rất mạnh như khi vừa bước chân tới: Đó là “Quyết tâm thư” của ông và đồng đội, đó là cuốn nhật ký ghi đầy đủ, chi tiết hoạt động của mình và đơn vị mình, cả “nghiệp vụ làm thủ trưởng”, “kế hoạch tập kích”… và nhiều tư liệu khác.

Với tôi (và có lẽ với nhiều người), những tư liệu, thông tin ấy rất ý nghĩa, nhưng đành phải hẹn “thầy Dũng”, hẹn “chú Sáu” cho phép tôi được tiếp cận trong lần trở lại sau.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129228/chu-sau-du-mot-thoi-dan-bom-mot-thoi-hoa-binh