'Chú Sáu đây'

Nhớ đến chú Sáu Thảo (Dương Đình Thảo), tôi không thể quên nụ cười đôn hậu luôn nở tươi trên môi ông.

“Chú Sáu đây”, là câu mà ông thường chào mọi người từ bảo vệ đến tổng biên tập lúc đến ghé thăm và làm việc với báo Phụ Nữ.

Lần đầu gặp ông, tôi cảm nhận mẫu người ấy xuề xòa, thân mật và dễ gần. Đó là tính cách của bậc đàn anh không quan cách, khách sáo, trịch thượng mà dễ tạo tình cảm với mọi giới và xóa đi khoảng cách về cương vị công tác.

Một trong những đóng góp có chiều sâu, to lớn của ông Dương Đình Thảo là thời gian ông có mặt trong Hội nghị Paris về Việt Nam. Như đã biết, mãi đến ngày 30/10/1968, Mỹ mới tuyên bố chấp nhận ngồi nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) tại hội nghị bốn bên ở Paris. Bấy giờ, ông Thảo có mặt trong phái đoàn do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn trù bị.

Ông Dương Đình Thảo (bìa trái) tại Hội nghị Thanh niên sinh viên thế giới năm 1965. Ảnh: N.Trà - Chụp lại từ ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Trong hồi ký, bà Bình kể lại chi tiết thú vị, lúc sang đến nơi, đoàn đã bị các nhà báo quốc tế “săn đuổi” dữ dội, lúc nào họ cũng “rình” chụp ảnh, quay phim, tìm mọi cách phỏng vấn cho bằng được. Lịch sinh hoạt, làm việc bị xáo trộn. Trước tình huống này, với vai trò phát ngôn chính thức của đoàn, ông Thảo có ý kiến: “Chúng ta đến đây là để đấu tranh và cũng để tuyên truyền vận động. Vì vậy không nên sợ nhà báo, trái lại cần phải tranh thủ tiếng nói của họ”.

Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao có tính cách quyết định của một giai đoạn lịch sử, ông Thảo nhớ nhiều chi tiết rất hay. Ông kể, thời gian ấy, có những lúc thức trắng đêm để kịp xử lý, biên tập toàn bộ thông tin của đại diện MTDTGP tại Pháp chuyển đến, sau đó, các tài liệu này, bà Thanh Vân dịch ra tiếng Pháp, đánh máy và trình cho bà Nguyễn Thị Bình.

Một trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ của ông là trong cuộc họp ngày 11/3/1971, hai nữ phóng viên của Đài truyền hình T.V.H (Mỹ) đã đặt câu hỏi: “MTDTGP tự giới thiệu có chính sách nhân đạo, tại sao không công bố danh sách tù binh Mỹ?”. Ông cho biết, sau khi nghe bà Thanh Vân dịch lại, lập tức trong đầu ông hiện lên hình ảnh các nhà tù Côn Đảo, Tân Hiệp, Chí Hòa, Thủ Đức… từng giam giữ, đày đọa, sát hại nhiều nữ tù chính trị.

Do đó, ông phân tích tội ác tại các “địa ngục trần gian” này và chậm rãi nhấn mạnh: “Lẽ ra các cô, các bà nên đến gõ cửa Nhà Trắng thì đúng hơn, đòi ông Nixon chấm dứt chiến tranh, công bố ngày rút hết quân đội Mỹ về nước, thì tức khắc tù binh Mỹ được trả tự do trở về đoàn tụ với gia đình”.

Nghe ông kể, tôi mới biết thêm không ít chi tiết mà chính sử chưa ghi lại đầy đủ. Có lần, nhiều ký giả nước ngoài buộc ông Thảo phải bình luận về tuyên bố của Tổng thống Thiệu rằng “đã kiểm soát 90% đất đai, trên 92% dân số”.

Ông trả lời ngay: “Nếu tôi ở cương vị ông Thiệu, tôi sẽ nêu tỷ lệ cao hơn, nhưng có một điều ông Thiệu không nêu, đó là…”. Cả hội nghị im phăng phắt lắng nghe, ông từ tốn nói tiếp: “Đó là trên 90% dân số trong vùng họ chiếm đóng đòi hỏi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ, chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ, chống lại chính quyền của ông Thiệu”. Câu trả lời ấy, đã “chốt hạ” vấn đề một cách ngoạn mục.

Trong năm tháng ấy, có lần gặp câu hỏi mà theo ông rất khó trả lời, do không nắm rõ vấn đề. Nhưng rồi, ông cũng nhanh trí giải đáp suôn sẻ. Chẳng hạn, về sự kiện tháng 3/1971, Tổng thống Thiệu tuyên bố đã đẩy lùi cuộc tấn công của MTDTGP ra khỏi Đắk Tô, các nhà báo quốc tế đòi ông Thảo phải chính thức có câu xác nhận.

Diễn biến của cuộc chiến này ra sao, cụ thể thế nào, lúc ấy, ông Thảo không nắm chắc trong khi báo giới “truy bức” dồn dập. Ông Thảo kể lại: “Lúc ấy, tôi cả quyết rằng: “Hôm nay, ông Thiệu huênh hoang giữ vững Đắk Tô, đến ngày nào đó Đắk Tô được giải phóng, thì các ông sẽ nghe họ phân tích vị trí Đắk Tô chẳng có giá trị gì”.

Thêm một thông tin, theo tôi rất quan trọng trong quá trình đấu tranh tại hội nghị Paris, lâu nay ít ai nói đến, phải là người trong cuộc như ông Dương Đình Thảo mới nắm tường tận.

Theo ông Thảo, công tác phát ngôn cho đoàn là “một trận chiến không tiếng súng, đòi hỏi có một mạch truyền thông ngay tại chiến trường”, ngoài các nguồn tin télex của Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng và các thông tin từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới nhận từ tòa soạn báo , “Đặc biệt tôi muốn nói mạch nguồn cung cấp báo chí công khai xuất bản giữa Sài Gòn, sào huyệt của đối phương suốt thời gian hội nghị bốn bên, cho đến ngày ký kết hiệp định và hội nghị hai bên toàn thắng”.

Nêu lại chi tiết này, tôi nghĩ cũng là một gợi ý quan trọng cho những ai muốn mở rộng đề tài nghiên cứu về vai trò của báo chí miền Nam trước 1975.

Lúc bắt tay vào thực hiện quyển tiểu thuyết lịch sử về luật sư Nguyễn Hữu Thọ tôi càng có dịp tiếp cận với ông Dương Đình Thảo nhiều hơn, lúc ấy, ông đã nghỉ hưu. Sở dĩ như thế, vì theo anh Nguyễn Hữu Châu - trưởng nam của ông Thọ: “Chú Sáu Thảo là người gần gũi và hiểu rất rõ về ba tôi”.

Khi chuyển cho tôi bản photo những ý kiến phát biểu về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông Thảo nhấn mạnh rằng, trước khi nhận nhiệm vụ phát ngôn chính thức ở hội nghị Paris, ông đã được Thọ nhiều lần giải thích, phân tích về cách mạng miền Nam. Thậm chí, ông còn “ưu đãi” đặc biệt là được có mặt trong các buổi nghe ông Thọ báo cáo tình hình và những chuyên đề có tính “mật”.

Những chi tiết cụ thể đã diễn ra ở Hội nghị Paris, tất nhiên không chỉ có như tôi nêu trên, còn nhiều chuyện thú vị khác nữa.

Với “nhân chứng sống” như ông Thảo, rõ ràng là một nguồn tài liệu quý báu mà chúng ta không thể không tiếp cận. Chỉ tiếc, lúc còn sống, ít có nhà báo, nhà nghiên cứu chú tâm ghi chép lại. Có những nhân chứng lịch sử, khi họ đi xa, ta cảm thấy hụt hẫng nếu muốn tìm hiểu sâu về một vấn đề nào đó. Trường hợp của ông Dương Đình Thảo là một thí dụ.

Tình cờ gặp nhau tại Nhà tang lễ, anh Nguyễn Hữu Châu bùi ngùi tâm sự: “Chú Sáu là người sống rất nghĩa tình. Dù đã yếu, nhưng hễ đến ngày tết, ngày giỗ của ba tôi là bao giờ chú Sáu cũng có mặt thắp nén nhang”. Nhận xét “ông Dương Đình Thảo sống rất tình nghĩa”, ngay lúc ấy, ông Phan Xuân Biên và nhiều người gật đầu đồng tình và có những ý kiến rất sâu sắc về sự nghiệp của ông - tương đồng với nhiều suy nghĩ khác đã ghi trong sổ tang.

Trong sổ tang, nhiều người chú ý và tán thành dòng chữ của vợ chồng ông Lê Thanh Hải ghi nhận ông Dương Đình Thảo là một con người “vì dân, vì nước; tấm lòng trung thực, thẳng thắn hết mực chân tình, nghĩa tình với đồng bào, đồng chí”.

Bên cạnh đó, do vị trí công tác, tính cách cởi mở, chan hòa nên ông Dương Đình Thảo rất gần gũi, quan tâm và thấu hiểu nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ. NSND-TS Bạch Tuyết ghi nhận về ông: “Người anh cả vừa tài hoa vừa là nhân cách lớn. Riêng bộ môn cải lương nhờ có sự lãnh đạo của anh nên mới có sáu ; những tác phẩm kinh điển lưu lại ngàn sau; những chuyến đi đem chuông đến xứ người làm rỡ ràng văn hóa dân tộc”.

Và chúng tôi - cán bộ phóng viên báo Phụ Nữ từng nghe vang vọng câu nói đầy nghĩa tình, thân mật “Chú Sáu đây” lúc chú đến thăm, chỉ đạo công việc của ngày nào, nay, cùng thắp nén nhang tưởng niệm. Xin vĩnh biệt chú Sáu Dương Đình Thảo - một con người đôn hậu, một nhân chứng của lịch sử đã vừa rời xa “cõi tạm”.

Ông DƯƠNG ĐÌNH THẢO, cán bộ tiền khởi nghĩa, sinh ngày 2/1/1924. Nguyên ủy viên Ban thường vụ Thành ủy (khóa IV), nguyên trưởng Ban tuyên huấn Thành ủy. Ông được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ông Dương Đình Thảo từ trần lúc 22h30 ngày 15/1/2017 (nhằm ngày 18 tháng chạp năm Bính Thân) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi. Linh cữu quàn tại: nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP.HCM. Lễ viếng từ 17h ngày 16/1/2017. Lễ truy điệu lúc 8g ngày 19/1/2017. Lễ động quan lúc 9g ngày 19/1/2017. An táng tại nghĩa trang TP (quận Thủ Đức).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Dương Đình Thảo kinh qua nhiều vai trò, nhiệm vụ. Trong đó đáng chú ý là từ tháng 6/1973 đến tháng 10/1974: ủy viên kiêm người phát ngôn đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị hai bên về Việt Nam ở Paris.

Sau ngày giải phóng, ông Thảo có thời gian làm giám đốc Sở Ngoại vụ, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM, chuyên viên cấp cao của ông Nguyễn Văn Linh - thời điểm đó đang là thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Lê Minh Quốc

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/chu-sau-day-91949/