Tìm nguồn cảm hứng sáng tác từ các chiến sỹ 'Mở đường thắng lợi'

Các tác giả đều đã thu thập được những tư liệu cần thiết làm chất liệu sáng tác những tác phẩm đề tài về chiến tranh nói chung cũng như bộ đội công binh nói riêng.

Ngày 25/4, Hội điện ảnh Việt Nam đã tổ chức đi thực tế sáng tác cho các tác giả tại một số đơn vị thuộc binh chủng công binh nhằm thu thập tư liệu, khơi nguồn cảm hứng sáng tác các tác phẩm về đề tài quân đội, chiến tranh cách mạng hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức đi thực tế sáng tác cho các tác giả tại một số đơn vị thuộc binh chủng công binh nhằm thu thập tư liệu, khơi nguồn cảm hứng sáng tác (Ảnh: Thu Huyền)

Binh chủng công binh đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và hai lần vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Tiến tới kỷ niệm 80 năm thành lập, Binh chủng công binh dự định phát động một cuộc sáng tác văn học nghệ thuật về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và những đóng góp vô cùng quan trọng trong xây dựng cuộc sống mới của ngành công binh.

Các tác giả đã tham quan Bảo tàng Công binh. Tại đây đang diễn ra triển lãm “Bộ đội công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ” với nhiều hình ảnh, tư liệu quý liên quan đến những đóng góp của bộ đội công binh trong chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại núi rừng Tây Bắc cách đây 70 năm.

Đoàn đã được giám đốc bảo tàng – đại tá Vũ Thiện Minh trực tiếp giới thiệu những vật chứng và những câu chuyện thú vị trong lịch sử phát triển ngành công binh cũng như công tác sưu tầm, gìn giữ hiện vật đầy khó khăn.

Đoàn cũng đến thăm Lữ đoàn 249 - Công binh vượt sông tại Ba Vì, Hà Nội. Các tác giả đã được trực tiếp chứng kiến các chiến sĩ làm phà vượt sông.

Nhiều tác giả lần đầu tiên tận mắt thấy những kỹ thuật đầy khó khăn, tỉ mỉ trong khi thực hiện các công trình trên sông từ thời chiến đến thời bình.

Đặc biệt, đại tá Phan Đức Tuấn – nguyên phó tư lệnh binh chủng công binh đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động của những người lính công binh trong khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cho bộ đội vượt sông đánh giặc tại các bến phà, trong đó tiêu biểu là phà Long Đại năm 1967-1968.

“Chiến sĩ công binh là những người đi trước về sau trong mọi chiến dịch. Ngoài việc mở đường, bắc cầu hoặc xây dựng những công trình để những người lính bước vào cuộc chiến đấu cam go, thì công việc rà phá bom mìn trong và sau chiến tranh cũng đòi hỏi nhiều kiến thức, lòng dũng cảm, tính kiên trì của những người lính” - đại tá Phan Đức Tuấn cho biết.

Các chiến sỹ công binh luôn tự hào về sự hiện diện của mình trong mọi công cuộc từ thời chiến đến thời bình như câu nói của Bác Hồ trong ngày ký quyết định thành lập binh chủng: “Không có con đường ấy, không có thắng lợi này”. Chiến sỹ công binh là những người “Mở đường thắng lợi”.

Chuyến đi thực tế sáng tác thực sự bổ ích, các tác giả đều đã thu thập được những tư liệu cần thiết làm chất liệu sáng tác những tác phẩm đề tài về chiến tranh nói chung cũng như bộ đội công binh nói riêng.

"Chắc chắn, chúng tôi sẽ có những tác phẩm chất lượng phục vụ khán giả yêu điện ảnh nước nhà”, NSND Lê Hồng Chương, phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam phát biểu.

Thu Huyền

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/tim-nguon-cam-hung-sang-tac-tu-cac-chien-sy-mo-duong-thang-loi-20240426211853565.htm