Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan: Mối nguy ám ảnh của Châu Phi

Thời gian qua, những vụ khủng bố lớn và chiến tranh liên quan các tay súng Hồi giáo cực đoan liên tiếp xảy ra ở Algeria, Mali và một số quốc gia châu Phi khác.

Những diễn biến bạo lực này cho thấy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở châu Phi đang… trỗi dậy.

Bóng ma chủ nghĩa thánh chiến

Vào ngày 16/1 vừa qua, hơn 30 phần tử Hồi giáo cực đoan được trang bị nhiều vũ khí đã giành được quyền kiểm soát một nhà máy khí đốt trên sa mạc Sahara gần In Amenas, bắt 650 công nhân làm con tin. Trận chiến sau đó của chúng với các lực lượng đặc biệt Algeria, diễn ra trên một vùng ngổn ngang những bó đường ống và nhà container, kéo dài 4 ngày. Những kẻ bắt cóc con tin được cho là đã lên kế hoạch làm nổ tung các đường ống dẫn, điều đó có nghĩa là làm sụt giảm đáng kể xuất khẩu khí đốt của Algeria. Nhưng đã không có vụ nổ nào, và những kẻ bắt cóc con tin đã sớm bị tiêu diệt, cũng như ít nhất 37 người lao động nước ngoài tại nhà máy này thiệt mạng.

Trận chiến đó, cùng với cuộc chiến tranh ngày càng leo thang ở nước Mali láng giềng, đã làm xuất hiện bóng ma của một chủ nghĩa thánh chiến mới trải khắp châu Phi. Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng những xung đột trên khu vực Sahara rộng lớn, và ở những nước thuộc dải Sahel nằm dọc sườn phía Nam của khu vực này, đã trở nên ngày càng liên hệ với nhau.

Các nước đang chiến đấu chống nổi dậy lo sợ rằng việc họ kiểm soát một phần lớn Mali sẽ cho phép chủ nghĩa thánh chiến lan rộng hơn nữa trong khu vực – và những phần tử thánh chiến lên kế hoạch tấn công khủng bố ở nước ngoài. Các nước láng giềng của Algeria và Mali có vẻ dễ bị tổn thương, hoặc đang bất ổn. Niger bị những kẻ cực đoan bạo lực và các băng nhóm tội phạm quấy rối. Miền Bắc Nigeria là quê hương của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram vốn đã giết hại hơn 1.000 người, và hiện hoạt động trên khắp một nửa đất nước. Chủ nghĩa cực đoan không được kiểm soát ở Sahara có thể vừa làm trầm trọng thêm những xung đột này lẫn kết nối chúng với nhau, một viễn cảnh tồi tệ ngay cả khi những tác động trực tiếp của nó chưa bao giờ được cảm nhận thấy bên ngoài khu vực.

Ranh giới giữa các cộng đồng Hồi giáo và phi Hồi giáo ở phía Nam Sahara phần lớn đi xuyên qua các nước thay vì đi xung quanh chúng. Ngay cả ở những nơi yên bình khác, những cuộc xung đột giữa các nhóm Hồi giáo và các chính quyền thường yếu kém đã tăng lên.

Những tổ chức xuyên quốc gia

Cho tới nay, những xung đột này đều ở cấp địa phương. Nhưng các điều kiện này tồn tại để chúng kích động lẫn nhau. Các quốc gia châu Phi thường không tấn công trực tiếp lẫn nhau, nhưng họ có một khuôn mẫu là lôi kéo các nước láng giềng vào những cuộc tranh cãi trong nước họ. Trong nhiều năm, Guinea, Siera Leon, Liberia và Cote’d Ivoire đã đẩy qua đẩy lại những người nổi dậy như một căn bệnh cúm mùa đông. Nạn diệt chủng Ruwanda năm 1994 đã gây ra cuộc nội chiến Congo và khuấy động sự bất ổn ở nơi khác. Liệu chủ nghĩa thánh chiến có thể dễ lây lan tương tự?

Ở Sahara và Sahel, những phần tử cực đoan thuộc các tổ chức khác nhau dường như di chuyển từ nước này sang nước khác mà không bị cản trở. Các ban lãnh đạo của AQIM và MUJAO xuất thân từ một bộ phận tiêu biểu của các nước vùng Sahara. AQIM nổi lên vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ sau cuộc nội chiến Algeria, và nhiều thành viên của tổ chức này là người Algeria. Vào năm 2006 tổ chức này đã thành lập một “liên minh thần thánh” với al-Qaeda làm nòng cốt, như cấp phó khi đó của Osama bin Laden, hiện là người kế vị, Ayman al-Zawahiri, mô tả.

MUJAO được lãnh đạo bởi một người Mauritani, Hamada Ould Mohamed Kheirou, có cấp phó là người Algeria và Mali. Những người này ủng hộ nhóm vô danh trước đây đã thực hiện cuộc tấn công nhà máy khí đốt, có tên được dịch ra là “Đạo quân ký tên bằng máu”. Theo các quan chức Algeria, thành viên của nhóm này bao gồm người Mali, Tunisia, Nigeria, Mauritani và cả người Canada. Kẻ đạo diễn cuộc tấn công, Mokhtar Belmokhtar, là một người Algeria được huấn luyện ở trại Afghanistan của Osama Bin Laden tại Jalalabad gần 2 thập kỷ trước, sau này gia nhập quân du kích Algeria và tiếp đó là AQIM.

Sau khi một cuộc trấn áp khốc liệt nhằm vào Boko Haram dẫn tới cái chết của thủ lĩnh tổ chức này, Mohammed Yusuf, vào năm 2009, những kẻ còn lại trong ban lãnh đạo và nhiều thành viên của tổ chức này nhanh chóng rời khỏi Nigeria tới Niger, Chad và Cameroon, nơi chúng tìm thấy những đồng minh mới và có thể đã gieo các tế bào mới. Những phần tử cực đoan có thể đã bị đuổi đi hàng thập kỷ trước khi chúng trở lại.

Bất kể bị thu hút bởi những khả năng mới – như ở Libi hai năm trước và Mali hiện tại – hay được thúc đẩy bởi các chính sách an ninh khẩn cấp, những phần tử cực đoan lang bạt quanh phía Bắc đường xích đạo ở châu Phi hầu như không gặp phải trở ngại. Các biên giới hầu như không có ý nghĩa, sức mạnh ngăn chặn nào. Các nhà nước nói chung là yếu kém; cảnh sát và lính biên phòng thiếu vũ khí và thiết bị giám sát. Những phần tử thánh chiến thường theo bước chân của các mạng lưới bất hợp pháp khác. Belmokhtar, kẻ đạo diễn đằng sau cuộc tấn công nhà máy khí đốt, cũng được biết đến là “ông Marlboro” vì nghề tay trái của nhân vật này là buôn lậu thuốc lá. Những phần tử cực đoan khác hợp tác cùng, hoặc đã trở thành các nhà buôn vũ khí và ma túy. Các ông trùm ma túy Nam Mỹ đã thiết lập mối quan hệ đối tác với các băng nhóm tội phạm Tây Phi để đưa hàng hóa của họ tới những nước ven biển như Guinea Bissau, từ đó chúng được xe tải nhỏ chở đến tận Địa Trung Hải để vận chuyển tiếp tới châu Âu.

Nếu các hình thức cấp tiến và hiếu chiến của đạo Hồi lan xa hơn, những cơ sở cho lòng tin hiện tại sẽ bị suy yếu. Ở nhiều nước, kể cả những nước giàu tài nguyên như Nigeria, những sự chia rẽ về tôn giáo đang mở rộng. Tuy nhiên, cả hành động của những phần tử thánh chiến lẫn hành động chống lại chúng đều có thể làm trầm trọng thêm các mối nguy hiểm.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chu-nghia-hoi-giao-cuc-doan-moi-nguy-am-anh-cua-chau-phi-126173.html