Chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Hè Thu

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An, nông dân đã xuống giống và đang tích cực chăm sóc lúa vụ Hè Thu (HT) năm 2022. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa đã xuất hiện sâu, bệnh gây hại. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực thăm đồng, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để bảo vệ lúa HT.

Thường xuyên thăm đồng

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 36.620ha lúa HT, bằng 17,1% kế hoạch, bằng 133,9% so cùng kỳ năm 2021. Hiện cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, các trà lúa trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh. So với các vụ sản xuất trước, vụ HT năm 2022 có nhiều diện tích lúa gieo sạ sớm đang bị một số đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ lây lan ra diện rộng.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết, toàn huyện đã gieo sạ hơn 23.000ha lúa HT. Trà lúa đầu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển bình thường. Thời gian gần đây, điều kiện thời tiết nắng nóng, có mưa rào rải rác nên bọ trĩ, ốc bươu vàng phát sinh. Ngoài ra, ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện các diện tích lúa bị chuột phá hoại, tỷ lệ phổ biến 2-3%.

Cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh kịp thời

Dự báo thời gian tới, bọ trĩ, ốc bươu vàng có khả năng sẽ phát sinh gây hại trên diện rộng nếu không chủ động phòng trừ kịp thời. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bọ trĩ, ốc bươu vàng gây ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đề nghị các địa phương khẩn trương thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ hiệu quả các loại sâu, bệnh gây hại.

Ông Dương Văn Hào (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Vụ HT năm nay, gia đình tôi trồng 3ha lúa OM18. Hiện tại, cây lúa sinh trưởng tốt nhưng có xuất hiện bọ trĩ và ốc bươu vàng. Ngay khi có thông báo của địa phương, tôi thường xuyên thăm đồng và làm theo hướng dẫn phòng trừ, không để sâu, bệnh lây lan ra diện rộng”.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa đang chủ động bám đồng ruộng, triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên lúa. Thời điểm hiện tại, toàn huyện đã xuống giống hơn 2.000ha lúa HT, trong đó nhiều diện tích đã xuất hiện ốc bươu vàng, đạo ôn lá,... Ông Nguyễn Văn Trạng (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Tôi xuống giống 1,5ha lúa IR 4625 được hơn 10 ngày, tuy nhiên đã xuất hiện ốc bươu vàng gây hại với mật độ thấp. Hiện tôi tiến hành các biện pháp để phòng trừ ốc và giặm lại các chỗ bị hư hại”.

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh

Để bảo vệ cây trồng, huyện Thạnh Hóa chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo nông dân bám đồng ruộng, theo dõi tình hình các loại sâu, bệnh để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: “Ngay sau khi xuất hiện sâu, bệnh, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu, bệnh để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả”.

Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu 2022

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Tình hình sâu, bệnh trên lúa HT đến thời điểm này chưa ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, một số loại sâu, bệnh như rầy nâu, cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, sâu năn đã xuất hiện và gây hại với mật độ thấp. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương và nông dân cần tập trung kiểm tra, thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại lúa HT.

Mặt khác, các ngành, địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo sinh vật hại lúa từ cơ quan chuyên môn để chủ động hướng dẫn cơ sở và nông dân phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, hiệu quả tại những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, không để xảy ra dịch trên diện rộng.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh hiện tượng sử dụng thuốc không đặc hiệu, kém chất lượng, vừa gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh; đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc hợp lý, không tự ý phun phòng mà chỉ phun khi mật độ sâu đã cao theo đúng khuyến cáo”./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-he-thu-a131140.html