Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa các biện pháp khắc phục bệnh đạo ôn trên cây lúa. Ảnh: NGỌC HÂN

Những ngày qua, thời tiết có mưa, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngành Nông nghiệp triển khai các biện pháp, cùng nông dân ra đồng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Bệnh đạo ôn hại lúa

Hơn 1 tuần qua, bà Lê Thị Lãnh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân đứng ngồi không yên vì 3 sào ruộng gieo sạ giống MT10 nhiễm bệnh đạo ôn. Bà Lãnh cho biết: “Bệnh đạo ôn ban đầu xuất hiện trên lá lúa với những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt, về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đạo ôn đang gây hại trên lá lúa, nếu không phòng trừ kịp sẽ lây lan và gây hại nặng từng chòm, thậm chí cả đám ruộng”.

4 sào lúa của gia đình ông Nguyễn Chiến ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, là thời điểm cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại, trong đó có bệnh đạo ôn. Thêm vào đó, thời tiết mấy ngày vừa qua có sương mù kèm theo mưa ẩm nên càng thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển. “Với kinh nghiệm của mình, tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, qua đó phát hiện diện tích nhỏ bị nhiễm đạo ôn trên lá lúa”, ông Chiến cho hay.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 26.739ha lúa. Hiện nay, bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại trên lá 19,5ha lúa; trong đó diện tích nhiễm nhẹ 13ha, diện tích nhiễm trung bình 5,5ha, nhiễm nặng 1ha. Ngoài ra, hiện còn một số đối tượng sinh vật gây hại khác như: bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, bọ xít đen, sâu năn, rầy lưng trắng… gây hại rải rác dưới mức nhiễm tại các địa phương.

“Lúa bị bệnh đạo ôn thì trên bề mặt lá xuất hiện vệt nhỏ hình thoi, sau đó lan rộng làm cháy lá lúa. Nếu không phòng trừ kịp thời chuyển sang bệnh đạo ôn cổ bông, toàn bộ gié bạc trắng không có hạt, gây thiệt hại nặng”, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết.

Ngăn chặn lây lan

Hiện nay, trên cánh đồng các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước, Xuân Sơn Nam... (huyện Đồng Xuân) có đến 16ha lúa bị bệnh đạo ôn, một số ruộng mới xuất hiện các đốm trắng nhỏ, một số diện tích bị nặng cần phun thuốc phòng trừ. Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn tiếp tục có chiều hướng tăng.

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: “Nhiều ngày qua, thời tiết âm u, mưa rào là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sinh vật phát sinh và gây hại trên các trà lúa. Để chủ động phòng trừ lúa bị bệnh đạo ôn gây hại trên diện rộng, huyện đã cử cán bộ kỹ thuật của trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật địa phương bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra đồng ruộng để cập nhật thường xuyên diễn biến tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn bà con các biện pháp khắc phục”.

Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, huyện Tuy An, vào mùa này nếu không phòng chống bệnh đạo ôn trên lá kịp thời và hiệu quả thì bệnh sẽ gây hại nặng, sau đó tấn công trên cổ lá, cổ bông, làm hạt lúa lép, dẫn đến giảm năng suất. “Chúng tôi tuyên truyền và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì nhiêu của đất. Khi bệnh phát sinh, bà con cần giữ nước trong ruộng, khoanh vùng những ruộng có tỉ lệ bệnh cao; huy động lực lượng phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng loại, đúng cách, đúng lượng) bằng các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh đạo ôn”, ông Khoa chia sẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Văn Minh cho biết: “Bệnh đạo ôn phát tán rất nhanh trên đồng ruộng và gây thiệt hại nặng về năng suất, chất lượng hạt lúa. Để quản lý tốt bệnh đạo ôn, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt tình hình phát sinh của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời và hữu hiệu ngay khi bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phun thuốc phòng trừ bệnh này, nông dân phải phun đúng kỹ thuật, cho tất cả bộ phận của cây lúa từ lá, thân, bẹ lá và gốc lúa đều tiếp xúc với thuốc thì mới đạt hiệu quả cao”.

Cũng theo ông Minh, Sở NN-PTNT khuyến cáo, khi phun thuốc trừ bệnh đạo ôn, nông dân không nên pha trộn với các loại phân bón lá nhằm hạn chế bệnh bộc phát. Khi sử dụng thuốc hóa học, nông dân nên phun luân phiên các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn như: Beam 75 WP, Filia 525 SE, Flash 75 WP… tránh sử dụng liên tục một loại thuốc sẽ làm cho bệnh kháng thuốc. Trong thời gian đến, do điều kiện thời tiết vẫn còn sương buổi sáng, bệnh đạo ôn vẫn có xu hướng phát triển gây hại mạnh trên những chân ruộng sạ giống nhiễm, bón thừa phân đạm, nên bà con cần lưu ý, dừng việc bón phân hoặc phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.

Khi lúa xuất hiện bệnh đạo ôn lá, bà con cần phun thuốc phòng bệnh khi vết bệnh còn nhỏ, ngăn ngừa bệnh đạo ôn cổ bông. Do có nhiều tác nhân làm cho bệnh đạo ôn phát triển nên ngoài việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, từ khâu chọn giống, bón phân đến chăm sóc lúa. Bà con lưu ý gieo sạ với mật độ thưa, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, đồng thời vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom, tiêu diệt cỏ dại, lúa chét xung quanh bờ ruộng nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/294682/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua.html