Chủ động giải quyết vấn đề an ninh lương thực

Đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra gay gắt, tác động trực tiếp đến nền sản xuất của nước ta nói chung và huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) nói riêng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã trao đổi với đồng chí Trương Thị Thiên Lý, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đak Pơ về nội dung này.

Đồng chí Trương Thị Thiên Lý, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đak Pơ.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết BĐKH đã tác động như thế nào đến ANLT của nước ta nói chung và huyện Đak Pơ nói riêng?

Đồng chí Trương Thị Thiên Lý: Trước hết phải khẳng định, ANLT gặp nhiều thách thức xuất phát từ BĐKH đang diễn ra gay gắt. Theo Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) của Liên hợp quốc, ước tính năng suất đất nông nghiệp đã giảm 21% so với kịch bản không có BĐKH; khoảng 17% sản lượng ngũ cốc, lúa mì và gạo dự kiến sẽ giảm vào năm 2050 trong trường hợp nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên. Cùng với đó là các cuộc xung đột vũ trang đã kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng rào cản thương mại làm cho lương thực khan hiếm và giá cả tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến ANLT của nhiều nước trên thế giới…

Các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế cũng nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH, trung bình mỗi năm phải chịu từ 6-7 cơn bão. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… tại nhiều địa phương xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, cực đoan hơn. Ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, sản xuất nông nghiệp, ANLT đang đặt ra nhiều thách thức buộc phải thích ứng.

Huyện Đak Pơ có diện tích tự nhiên hơn 50.000ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 42.000ha, chiếm 84,14% diện tích với nhiều lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại, bền vững. Nhưng do BĐKH, nguồn nước tưới cho cây trồng ngày càng giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

PV: Huyện Đak Pơ đã có những chủ trương, giải pháp gì để bảo đảm ANLT trong điều kiện BĐKH thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Thị Thiên Lý: Tại huyện Đak Pơ vấn đề BĐKH, ANLT được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và người dân rất quan tâm. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chủ động triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để hạn chế những ảnh hưởng của BĐKH, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Đak Pơ đã huy động các nguồn vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng để phát triển các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 hồ chứa (2 hồ chứa loại lớn, 14 hồ chứa loại nhỏ); 2 trạm bơm điện; 2 đập dâng và nhiều ao, hồ, đập. Tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi là 490ha cây trồng các loại, bảo đảm tưới tiêu chủ động, nâng cao hiệu quả sản xuất của nhân dân.

Đặc biệt đã hình thành các vùng sản xuất rau với nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”, cây ăn quả chuyên canh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đưa nhiều giống lúa năng suất cao như: ANS1, BĐR57, BĐR27 gieo trồng trên hàng trăm héc-ta với năng suất từ 6,5 tấn đến 7,5 tấn/ha. Huyện cũng đã triển khai hiệu quả Dự án “Phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm giúp nông dân tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và nâng cao thu nhập”.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đak Pơ áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp.

PV: Vậy kết quả đạt được như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Thị Thiên Lý: Những giải pháp nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ngành nông nghiệp về BĐKH và ANLT; làm thay đổi tư duy, phương pháp canh tác lạc hậu của hàng ngàn hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân đã biết ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm, xây dựng nhà màng sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP; phát triển các mô hình: Trồng cây quýt đường, cây na hạt lép kết hợp với tưới tiết kiệm, trồng thâm canh cây nhãn; liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao giá trị đàn bò lai, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất đường ăn, sắn khô, rau, củ, quả và các chuỗi giá trị khác…

Qua đó đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện Đak Pơ từ năm 2020 đến nay ước đạt 7,66%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,7 triệu đồng; bảo đảm tốt ANLT trên địa bàn huyện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-dong-giai-quyet-van-de-an-ninh-luong-thuc-740350