Chủ động an sinh bằng bảo hiểm xã hội tự nguyện

(BVPL) - Trong thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được mở rộng hơn, phương thức đóng linh hoạt và ngành BHXH đã tích cực triển khai; tuy nhiên kết quả thực hiện BHXH tự nguyện còn hạn chế, chưa thu hút người dân tham gia.

Đảng và Nhà nước luôn coi công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia trong mọi thời kỳ. Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm sự liên kết trong các chính sách nhằm tăng cường năng lực cho người nghèo, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Kết quả Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trung bình 1,8 - 2%/năm.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Đặc biệt, các công cụ hỗ trợ an sinh cho người nghèo còn bị động, chưa thực sự vững chắc. Trong đó, chính sách BHXH tự nguyện, được xem như công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững, nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Người dân chưa nhận thức đầy đủ về loại hình bảo hiểm này.

Hiện cả nước có 12,4 triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, số còn lại thuộc đối tượng BHXH tự nguyện nhưng mới chỉ có khoảng 200 nghìn người tham gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu người dân khi về già không có lương hưu và như thế gánh nặng cho ngân sách Nhà nước rất lớn trong việc bảo đảm lưới an sinh xã hội bền vững.

BHXH tự nguyện được coi là chính sách an sinh chủ động, bảo đảm cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, có thu nhập và ổn định cuộc sống. Đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Thực hiện Luật BHXH (năm 2014) về hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác.

Theo BHXH Việt Nam, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng trên, ngành BHXH cũng đang, chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Theo các chuyên gia, mức hỗ trợ đóng BHXH theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn được Nhà nước ban hành sẽ là cơ hội lớn để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Mai Hòa

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201610/chu-dong-an-sinh-bang-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-2518955/