Chống người thi hành công vụ: Xử lý nghiêm để răn đe

Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tình trạng chống đối, cản trở lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ. Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng chống lại lực lượng CSGT cần những giải pháp đồng bộ.

Vụ việc một cán bộ CSGT bị tài xế xe tải đâm tử vong mới đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Tối 15/4, Thiếu tá Lê Quang Minh làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên QL1, đoạn khu vực Ngã 3 Vũng Tàu (TP Biên Hòa), thấy chiếc xe tải chạy hướng Đồng Nai - TP.HCM có dấu hiệu vi phạm nên đã yêu cầu lái xe dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Bất ngờ, tài xế nhấn ga lao thẳng vào Thiếu tá Minh khiến anh tử vong tại chỗ.

Ngay sau vụ việc xảy ra, tài xế đã trốn khỏi hiện trường... Trước đó, chiều 8/4, Đội CSGT Cát Lái (thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh) thực hiện chuyên đề xử lý các phương tiện đi ngược chiều, chạy quá tốc độ trên đại lộ Mai Chí Thọ, phường An Lợi Đông, quận 2. Hình ảnh camera cho thấy Nhan Hồng Phong (38 tuổi, trú ở quận 5) điều khiển xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định nên tổ CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe Phong. Quá trình kiểm tra Phong không xuất trình được các loại giấy tờ theo yêu cầu. Khi tổ CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn, Phong có thái độ bất hợp tác đông thời liên tục lăng mạ các chiến sỹ đang thi hành công vụ. Vụ việc giằng kéo dài gần một giờ đồng hồ, khi Trung tá Bùi Minh Phước đến khuyên can và đề nghị Phong hợp tác thì đối tượng này cầm điện thoại ném vào người Trung tá Phước rồi lao vào đánh. Tổ công tác đã gọi điện cho Công an phường An Lợi Đông đến hỗ trợ đưa Phong về trụ sở làm việc…

Lực lượng CSGT phải tuần tra kiểm soát theo đúng quy định. Ảnh minh họa.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ chống lại CSGT với những hành vi hết sức manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật trong thời gian qua. Qua những vụ việc cho thấy, hành vi chống lại người thi hành công vụ bắt nguồn từ ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn kém, trong khi các hình thức xử lý những hành vi này chưa thực sự tương xứng. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX tuy đã được chấn chỉnh nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa chặt chẽ, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử cho lái xe và huấn luyện kỹ năng lái xe chưa được chú trọng đúng mức. Do đó thái độ, đạo đức của một bộ phận lái xe ngày càng xuống cấp, hung hãn, sẵn sàng chống đối, lăng mạ, cản trở người thi hành công vụ.

Trao đổi với phóng viên, TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho rằng: Tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung cũng như chống lại lực lượng CSGT vẫn gia tăng, trước tiên là do ý thức pháp luật của người dân còn kém dẫn tới vi phạm giao thông rất nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động công vụ của không ít cán bộ, chiến sỹ CSGT còn chưa tuân thủ quy trình công tác, vi phạm các nguyên tắc tiến hành công việc; văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống còn hạn chế… khiến cho người tham gia giao thông và người vi phạm ức chế đến hành vi cản trở, chống đối. Về chế tài xử phạt, theo TS. Hưng: “Hành vi “chống người thi hành công vụ” đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vi phạm còn nhẹ, chưa đủ mức răn đe nên tình trạng chống lại lực lượng CSGT vẫn không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn”…

Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT, theo Cục CSGT, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật giao thông và các quy định của pháp luật về công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT để nhân dân hiểu, có ý thức chấp hành và hợp tác với lực lượng tuần tra kiểm soát khi làm nhiệm vụ.

Xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, đề xuất đưa ra xét xử điểm, công khai lưu động để có tác dụng răn đe, giáo dục chung. Lực lượng CSGT cần tăng cường năng lực cưỡng chế, trấn áp có hiệu quả các hành vi chống người thi hành công vụ; trang bị đủ các trang thiết bị nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiên sỹ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Thường xuyên quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sỹ trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phải thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật, võ thuật cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường; từng bước trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Bố trí những cán bộ, chiến sỹ có năng lực, có phương pháp xử lý linh hoạt ở những bộ phận tiếp xúc với nhân dân; cán bộ, chiến sỹ phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ động tự phòng ngừa, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mình.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-xu-ly-nghiem-de-ran-de-51980.html