'Chống lệnh' Thủ tướng để ưu ái nhà thầu không đủ năng lực

Cùng với dự án Ethanol ở Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển hồ sơ Bộ Công an do có các dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm là dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Dung Quất, Quảng Ngãi. Có những điểm chung dẫn đến thực trạng bi đát của hai dự án này, đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chống lệnh Thủ tướng Chính phủ...

Dự án NLSH Dung Quất

Có những điểm chung dẫn đến thực trạng bi đát của hai dự án này, đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chống lệnh Thủ tướng Chính phủ để chỉ định thầu cho các nhà thầu không đủ năng lực.

Sai phạm nhan nhản

Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất Bio - Ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.493,019 tỷ đồng, do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư. Cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10/2014 gồm có: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 599,02 tỷ đồng chiếm 61%; PVOil 380,525 tỷ đồng chiếm 38,75%; Tổng Cty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) 2,455 tỷ đồng chiếm 0,25%.

Ngay từ khi chưa bắt đầu xây dựng, dự án này đã gây lãng phí tiền tỷ. Trong khi chưa thành lập PCB, PVN đã giao Tổng Cty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy song việc chọn địa điểm lại không khảo sát công tác đền bù giải phóng mặt bằng do đó khi triển khai thực hiện đầu tư vì không giải phóng mặt bằng nên phải chuyển địa điểm đầu tư, lãng phí 1,125 tỷ đồng.

Nhưng nghiêm trọng nhất là việc PVN đã chỉ định thầu cho PTSC - một nhà thầu không đủ năng lực thực hiện dự án.

Cụ thể, Dự án NLSH Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo qui định của Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, PVN, đại diện vốn nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu. Lý do những đơn vị này đưa ra là căn cứ vào Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của PVN: “Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên được cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn, nhằm phát huy nội lực và kích cầu trong nước. Yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng các qui định của pháp luật về chỉ định thầu”.

Mặc dù vậy, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Hồ sơ năng lực của PTSC thể hiện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, mua sắm, xây dựng các dự án dầu khí, chưa thực hiện các dự án NLSH hoặc dự án có tính chất tương tự.

Dự án NLSH Dung Quất

Vì vậy, PTSC là nhà thầu chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Thiết kế xây dựng, thiết kế chi tiết, mua sắm các phân xưởng phụ trợ và các hệ thống của nhà máy, xây dựng và lắp đặt toàn bộ nhà máy… Việc chỉ định thầu này đã không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm Luật Đấu thầu. Hậu quả dẫn đến việc thi công hạng mục xử lý nước thải không đáp ứng công suất nhà máy, chậm tiến độ 24 tháng, tăng chi phí đầu tư 345 tỷ đồng…

Chính vì vậy, khi đàm phán và ký hợp đồng EPC (hợp đồng trọn gói), liên danh và nhà thầu trước đó đã chào giá 62,994 triệu USD, PVN có văn bản thông báo kết luận của PVN về giá hợp đồng không quá 60 triệu USD và cuối cùng thống nhất giá hợp đồng trọn gói là 59,177 triệu USD.

Quá trình thanh, kiểm tra phát hiện, khi nhận thầu và ký hợp đồng EPC về thiết kế, mua sắm, xây dựng nhà máy theo hình thức hợp đồng trọn gói, Tổng thầu PTSC chưa lập được thiết kế kỹ thuật tổng thể các hạng mục công trình của dự án.

Do đó, theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến việc xác định giá trọn gói. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thành 71,943 triệu USD sau đó đề nghị là 69,152 triệu USD.

Thay vì đảm bảo cam kết "không quá 60 triệu USD" như ban đầu, ngày 4/6/2010, PVN có thông báo kết luận của Chủ tịch HĐQT PVN tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án NLSH miền Trung trong đó có nội dung dự án Bioetanol miền Trung đã triển khai được 8 tháng cho đến hiện tại đã chậm tiến độ gần 3 tháng đặc biệt là công tác thiết kế, mua sắm quá chậm.

Nguyên nhân chính là do việc ký hợp đồng EPC khi chưa có thiết kế tổng thể FEED cả chủ đầu tư và nhà thầu đều chưa có kinh nghiệm về triển khai hợp đồng EPC các dự án tương tự do đó đã gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc xử lý các vấn đề tồn tại. Hợp đồng sau đó đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD. Sau này, khi cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện, trong số 7,723 triệu USD tăng vốn so với mức đầu tư ban đầu có 3,245 triệu USD là chưa có cơ sở.

Dự án NLSH Dung Quất

Ngoài ra, theo qui định của Hợp đồng EPC, nhà thầu PTSC phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng 10% giá trị hợp đồng (tương ứng số tiền 5,91 triệu USD) và bảo lãnh tạm ứng 20% giá trị Hợp đồng (11,83 triệu USD), nhưng PVN và chủ đầu tư PCB đã cho phép PTSC miễn thực hiện. Hành vi này không chỉ vi phạm điều khoản Hợp đồng EPC mà còn vi phạm Luật Đấu thầu.

5.401 tỷ đồng có nguy cơ thành giấy lộn

Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định rõ ràng, toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án NLSH của PVN ở Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước với tổng số tiền đã thanh toán tính đến hết tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Đối với dự án Dung Quất, sau khi đi vào hoạt động đã lỗ lớn, hầu như không vận hành thương mại. Vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án.

Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ cây trồng khác sang cây nguyên liệu…

Tuy nhiên, trên thực tế, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Số còn lại phải chuyển sang làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ trong lúc chờ nhà máy sản xuất lại. Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy), lỗ 146 tỷ đồng.

Vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án NLSH Dung Quất là 2.124 tỷ đồng, nhưng thực trạng nhà máy bây giờ rất thê thảm. Cán bộ công nhân bỏ đi, nhà xưởng, máy móc dần khuất sau cây cỏ và đang dần hoen gỉ.

Nguyên nhân thua lỗ của dự án là sản phẩm giá thành cao hơn thế giới lại đúng thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá xăng E5 không thể cạnh tranh với các loại xăng khác khiến đầu ra bế tắc, buộc nhà máy phải ngừng hoạt động.

Hiện dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chong-lenh-thu-tuong-de-uu-ai-nha-thau-khong-du-nang-luc-post182345.html