Chống hàng giả, vì sao doanh nghiệp phó mặc cho Quản lý thị trường?

"Khi đội Quản lý thị trường liên hệ với doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu để đề nghị hỗ trợ xác nhận hàng thật, hàng giả thì doanh nghiệp không hợp tác, không trả lời".

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã kiểm tra, xử lý 2.530 vụ, số tiền phạt gần 60 tỷ đồng.

Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi, xu hướng ngày càng tăng, gây thiệt hại cho cả nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng đường khác nhau, tập trung vào các mặt hàng như hàng tiêu dùng, điện tử, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm… Trong đó dược phẩm, mỹ phẩm bị làm giả nhiều nhất vì có giá trị cao.

Kết quả từ ngày 20/11/2014 đến 31/7/2016 Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.885 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tổng thu hơn 33 tỷ đồng, trong đó, phạt hành chính 15,2 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu tiêu hủy 18,2 tỷ đồng.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Dũng, Phòng quan hệ cộng đồng Ajinomoto cho hay, hiện nay công ty cũng đang phải đối mặt với tình trạng bột ngọt giả.

Các đối tượng nhập vỏ bao, nguyên liệu của Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Với các công cụ đóng gói thô sơ như máy ép, cân, môi, muỗng trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Bột ngọt giả thường không đủ trọng lượng, cho thêm muối vào để tăng trọng lượng và giá thành thường thấp hơn hàng thật.

Có trường hợp khách hàng đã gọi điện đến công ty phản ánh bột ngọt có mùi bột giặt. Tuy nhiên phát hiện ra đó là bột ngọt giả, các đối tượng sản xuất chung bột giặt và mỳ chính.

Ông Dũng cho rằng việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu còn nhiều khó khăn do lực lượng QLTT ngại va chạm với hộ kinh doanh, chưa chủ động trong công tác chống hàng giả, chưa chú trọng đến hành vi vi phạm mà chỉ chú trọng đến khối lượng, số lượng hàng vi phạm.

Đánh giá thực trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho rằng “ở Việt Nam tìm hàng không bị làm giả còn khó hơn bị làm giả”, rất nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường đều có hàng giả. Đặc biệt tập trung ở những mặt hàng nhạy cảm như mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Mặc dù QLTT đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa cao. Theo ông nguyên nhân do hàng giả được sản xuất ở nước ngoài, đưa vào nước ta theo đường mòn biên giới. Nhận thức người dân còn hạn chế, có bộ phận biết hàng giả nhưng vì giá rẻ nên vẫn mua.

Bên cạnh đó, lực lượng thực thi có lúc có nơi dễ làm khó bỏ, trong một số trường hợp chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đắc Lộc cũng thừa nhận công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Theo ông Lộc, hiện nay các quy định có sự chồng chéo, tạo ra kẽ hở về luật pháp, ví dụ như quy định xử lý vụ việc khi có tranh chấp, văn bản kết luận giám định trong xác định hành vi vi phạm.

Thực tế cho thấy, ngay trong việc giải thích hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã có sự không đồng nhất giữa các văn bản, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại và có chủ trương “sống chung với hàng giả”. Doanh nghiệp khi bị xâm phạm về nhãn hiệu nhưng thủ tục hành chính rườm rà nên không làm đơn đề nghị kiểm tra, xử lý.

“Cá biệt có một số vụ việc đội QLTT kiểm tra, tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nhưng khi liên hệ với doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu để đề nghị hỗ trợ xác nhận hàng thật, hàng giả thì doanh nghiệp không hợp tác, không trả lời. Vì vậy Chi cục cũng chưa có cơ sở chắc chắn để xử lý vi phạm”, ông Lộc cho hay.

Hiện nay dù đưa ra chế tài với mức phạt cao song trên thực tế chưa đủ răn đe vì lợi nhuận quá lớn thu được từ buôn bán, sản xuất hàng giả.

Ông Lộc cũng cho rằng nên xử phạt cả hành vi sử dụng hàng giả, hàng nhái như nước ngoài vẫn áp dụng.

“Nếu chúng ta đấu tranh với hàng giả hàng nhái nhưng người tiêu dùng nói tôi cứ thích sản phẩm phải có nhãn logo nổi tiếng, như thế thì rất khó”, ông Lộc nói.

Bên cạnh việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, ông cho rằng cũng cần có nhiều sản phẩm thay thế, để người tiêu dùng có thể lựa chọn. Muốn như vậy phải khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra nhiều hàng hóa, mẫu mã có chất lượng.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng khó khăn hiện nay trong công tác chống hàng giả là chế tài xử phạt không đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; chưa có tòa chuyên trách xét xử kiện tụng sở hữu trí tuệ nên quá trình này kéo dài, tính cấp bách của ngăn chặn thiệt hại không còn phát huy tác dụng dẫn đến tâm lý ngán ngại cho doanh nghiệp.

Diệu Thùy

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chong-hang-gia-vi-sao-doanh-nghiep-pho-mac-cho-quan-ly-thi-truong-post207504.info