Chòng chành... doanh nghiệp nhỏ

Theo các con số thống kê và công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV). Tính đến 2015, khối DN chính thức này đóng góp khoảng 45% cho GDP, góp 31% tổng số thu ngân sách, chiếm 31% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm và điều hết sức ý nghĩa là tạo ra 51% tổng việc làm trong nước.

Như thế, vai trò quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân của DNNVV có lẽ không cần phải chứng minh thêm nữa. Nhưng trên thực tế, các DNNVV đang vô cùng chật vật để sinh tồn, đến nỗi Chính phủ phải cố gắng hết mức để thuyết minh về sự khẩn thiết phải luật hóa các quy định hỗ trợ cho khu vực này và gần như là một sự ưu ái, Quốc hội mới đồng ý cho trình dự án “Luật Hỗ trợ DNNVV” để thảo luận trong kỳ họp thứ hai kéo dài 22 ngày và mới khai mạc vào sáng 20/10 vừa qua. Số phận của khu vực DN này dưới tác động của pháp luật sẽ chưa biết như thế nào nhưng bức tranh thực tại của nó đã được nhiều chuyên gia kinh tế uy tín gọi tên bằng 2 từ “ảm đạm”.

Đây là bằng chứng: Trong năm 2015, 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN vừa... có thua lỗ, trong khi con số này ở các DN quy mô lớn là 10%. Theo chuỗi thời gian kéo dài 5 năm gần đây thì tình hình hoạt động kinh doanh của khối DN này đang có xu hướng giảm sút và gặp nhiều khó khăn hơn; cũng như qua thăm dò, hơn một nửa các doanh nghiệp siêu nhỏ trong hai năm tới vẫn hoạt động ở quy mô hiện tại và “chưa có ý định trưởng thành”.

Bởi vì họ quá lép vế so với các DN bề thế hơn. Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Trong khi đó, chi phí ngoài (không chính thức) cũng là một rào cản bào mòn ý chí của DN. Một nhân vật cao cấp tại VCCI thông báo, khoảng 11% DN siêu nhỏ, 13% DN nhỏ và 10% DN quy mô vừa cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN (với các DN lớn, con số này là 7%).

Nhiều khi phải “chi ngoài” để có thông tin và quan hệ nhưng DNNVV rất khổ sở khi mong tìm kiếm sự đoái hoài. “Doanh nghiệp FDI, DN lớn chỉ cần gọi một cú điện thoại là có thể gặp được lãnh đạo tỉnh ngay, trong khi DNNVV có khi chờ cả tháng cũng không gặp được...”, đó là lời than thở của ông Châu Minh Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai, đưa ra tại một hội thảo gần đây. Ông Nguyện cũng thành thật tới mức ca thán thêm: “Chúng ta cứ kêu gọi hỗ trợ DNNVV nhưng “xa lánh” những DN ít tiền như vậy thì khó hiện thực hóa chính sách hỗ trợ”. Mà đúng là hỗ trợ thế nào cho thỏa đáng đây một khi chỉ có khoảng 30-40% DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng (lãi suất 9%), số còn lại đang phải tự vùng vẫy và ngậm ngùi ngước nhìn 81% DN lớn thoải mái được đi vay với lãi suất chỉ 8%.

Hiện Việt Nam có 450.000 DNNVV đang hoạt động. Đối chiếu với mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra thì chúng ta sẽ có thêm 550.000 DN mới được thành lập và có ít nhất 235.000 tỷ đồng được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hình thành nên một nguồn thuế mới khoảng 429.000 tỷ đồng/năm, tạo ra ít nhất 7,5 triệu việc làm. Nếu chúng ta nhìn vào cấu trúc kinh tế phát triển vượt bậc của Nhật Bản và Hàn Quốc trong khoảng 40 năm trỗi dậy thành rồng của họ thì trụ cột vẫn là DNNVV và bản thân khu vực này được hỗ trợ mạnh mẽ vì nó thuộc về chiến lược phát triển kinh tế quốc gia với 4 hỗ trợ mang tính then chốt gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam thì sẽ vấp phải các rào cản như Nhà nước không đủ nguồn lực cả về vật chất và con người để thực hiện việc hỗ trợ cho số lượng lớn đối tượng như thế, tính sẵn có của các nguồn tiền, dòng tiền và công nghệ...

Dù có gian nan đến mấy thì nói chung, cộng đồng DNNVV Việt Nam gần như đang nín thở chờ đợi các phiên thảo luận nghị trường lần này để xem dự án Luật Hỗ trợ DNNVV có được tán thành một cách rộng rãi để Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp đầu tiên của năm 2017 hay không. Nếu có điều gì đó trục trặc hoặc phải kéo dài thêm nữa, có vẻ con tàu mà các DNNVV đang hì hục bơi chèo sẽ chòng chành thêm nữa, mà nói như ông Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì: “Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh”...

Làm lớn cũng khổ mà làm nhỏ cũng thật là mệt mỏi.

Bích Phượng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/chong-chanh-doanh-nghiep-nho-d48539.html