Chọn lọc và không hạn chế sự phát triển

(HNM) - Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị của các làng cổ trên địa bàn thành phố hiện nay mà không mâu thuẫn với sự phát triển, không cản trở quá trình đô thị hóa - đó là nội dung xuyên suốt, được các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thảo luận tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội", diễn ra ngày 27-12, tại Hà Nội, do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) tổ chức. Giải pháp mang tính gợi mở đã được nêu ra: Công tác bảo tồn làng cổ ở Hà Nội phải tuân thủ sự phát triển, phải chấp nhận sự khác biệt mang tính thời đại.

Cổng Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Linh Ngọc

Nghịch lý trong quá trình phát triển

Làng là đơn vị cư trú truyền thống của người Việt. Trong quá trình hình thành và phát triển, làng vừa tích tụ, lưu truyền các giá trị văn hóa vốn có vừa vận động, tạo lập các yếu tố mới, biến đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu mới. Hà Nội là địa phương có nhiều làng cổ, làng nghề truyền thống, cũng là nơi có tốc độ phát triển nhanh, bởi thế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở các làng truyền thống vô cùng gay gắt. Điểm vài nét về Làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Đông Ngạc (Từ Liêm)… từ năm 2005 trở về trước, so sánh với hiện trạng, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhận định: Không gian làng cổ ở Hà Nội đã bị thu hẹp dần, kiến trúc có nhiều thay đổi.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đưa ra dẫn chứng: Làng Mơ (còn gọi là Kẻ Mơ) thuộc quận Hoàng Mai nay không còn giữ được cảnh quan làng mạc, không còn ruộng vườn; làng mang tên phố nhưng dân cư vẫn sống theo thôn, xóm, đường sá chật hẹp, vòng vèo. Đó là nghịch lý trong tiến trình phát triển. Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL) Hà Nội, nét cổ kính xưa của làng Tây Mỗ (Từ Liêm) có được nhờ những hàng cổ thụ lâu năm, cánh đồng xanh vút tầm mắt, không gian sống thanh bình… giờ đang bị các khu đô thị mới "nuốt chửng". Các thôn của xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) xưa đều có cổng làng riêng, nay chỉ còn thôn Thượng Phúc giữ được cổng làng truyền thống.

Mỗi làng cổ Hà Nội dường như mang một "bệnh". Đường Lâm - làng cổ đầu tiên được xếp hạng Di tích quốc gia, không gian kiến trúc, cảnh quan, sinh hoạt văn hóa làng mạc truyền thống của người Việt được lưu giữ tương đối đầy đủ, nhưng một số người dân không còn tâm huyết giữ gìn di sản như xưa nữa. "Xét về mặt kiến trúc, cảnh quan hay giá trị văn hóa tinh thần, các làng cổ ở Hà Nội đều xứng đáng được bảo tồn và phát huy giá trị. Tiếc rằng, số lượng làng còn nguyên vẹn các giá trị không nhiều, công tác bảo tồn đang thể hiện sự mâu thuẫn với xu hướng phát triển". Bà Phạm Thị Lan Anh nhận định.

Bảo tồn có chọn lọc

Ông Phạm Đình Việt (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý cần phân loại, đưa ra tiêu chí đánh giá làng cổ. Làng ở Hà Nội hiện có 4 dạng: Làng chỉ còn tên (làng Ngọc Hà, Nhật Tân, Mọc, Cót…), làng nghề, làng truyền thống và làng cổ từ 100 năm tuổi trở lên. Với làng chỉ còn lại tên thì nên bảo tồn những giá trị phi vật thể, với làng nghề thì cốt yếu là giữ nghề; làng truyền thống, làng cổ thì cần giữ gìn cả giá trị vật chất và tinh thần bởi làng cổ là di tích nhưng đồng thời là điểm dân cư.

Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: "Công tác bảo tồn làng cổ ở nước ta chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ công trình di tích, cố gắng giữ được càng nhiều yếu tố gốc càng tốt chứ ít quan tâm đến sự sống xung quanh. Làng cổ như cơ thể sống liên tục phát triển, vì vậy, bảo tồn thì phải biết chấp nhận sự khác đi tất yếu của làng thời nay so với thời xưa. Nói cách khác, con người và những nhu cầu chính đáng của họ cần được đặt vào vị trí trung tâm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ".

Là một trong những người nghiên cứu sâu về làng cổ Hà Nội, bà Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích) nhận xét: Lịch sử đô thị Hà Nội là lịch sử phát triển từ làng lên phố, làng trong phố. Đô thị hóa là tất yếu khách quan. Đô thị không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại, là sự kế thừa và phát triển làng quê dựa trên cái nền văn hóa của làng. Do đó, bảo tồn làng không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, mà là bảo vệ sự sống của nó, không để nó mất đi. Hiểu rộng hơn, bảo tồn làng cổ không phải là giữ nguyên hiện trạng từng ngôi nhà, từng viên gạch lát đường, mà quan trọng là phải bảo tồn được không gian, cảnh quan truyền thống gắn với làng, làm cho chúng trở thành những bảo tàng mở, mang lại sức sống cho làng.

Đa số nhà khoa học đưa ra quan điểm bảo tồn có chọn lọc đối với làng cổ trong xã hội đương đại. Rõ ràng, đó là ý kiến quan trọng.

Đã có quy hoạch bảo tồn Làng cổ Đường Lâm
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm" tỷ lệ ½.000 (minh họa vùng bảo vệ I, tỷ lệ 1/500) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo đó, Làng cổ Đường Lâm sẽ được bảo tồn về mặt cấu trúc chung, không gian, cảnh quan, các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở và cấu trúc của các ngôi nhà truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể, sinh hoạt truyền thống… Những ngôi nhà cổ có giá trị hoàn chỉnh (loại I) sẽ được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình nhà ở của người nông dân xưa, được bố trí làm điểm đón tiếp khách du lịch. Nhà loại II - những nhà cổ không còn nguyên vẹn không gian - sẽ được bảo tồn nhà chính theo nguyên gốc, cơ bản giữ nguyên các hạng mục phụ trợ. Cũng theo quy hoạch này, người dân sẽ được xây mới nhà ở 2 sàn tầng, gồm 1 tầng chính và 1 tầng lửng (tương đương 1,5 tầng) theo mẫu thiết kế nếu cách ranh giới vùng bảo vệ 1 của các công trình di tích tối thiểu 10m, cách nhà ở loại 2 tối thiểu 3m…

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/657239/chon-loc-va-khong-han-che-su-phat-trien