Chợ đầu mối Long Biên và những vòng xe kéo mưu sinh

Chợ Long Biên, Hà Nội là một trong những chợ đầu mối lớn, tập trung rất đông lao động đến kiếm sống. Công việc ở đây không hề đơn giản, thậm chí còn khá nặng nhọc, trong một môi trường xô bồ. Tuy nhiên, đâu đó giữa những ồn ào, vất vả, vẫn ánh lên những ánh mắt, nụ cười lạc quan của người lao động, khiến cho khu chợ thực sự trở thành nơi cứu cánh của nhiều cảnh đời.

Khu chợ “lấy đêm làm ngày”

Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội nằm trên địa bàn quận Ba Đình, ngay phía sau con đường gốm sứ - Yên Phụ. Đây là chợ đầu mối hoa quả lớn ở miền Bắc, tập trung rất đông thương nhân, người lao động từ các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc… Chợ chủ yếu bán buôn các loại rau, củ, quả và ngoài ra mở rộng thêm thủy sản, gia súc, gia cầm, trong đó rau, củ, quả chiếm nhiều hơn cả. Tại đây, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe buôn từ khắp nơi đến trao đổi hàng hóa. Và mỗi xe buôn như vậy lại có hàng chục phu kéo kéo đến để đổ hàng.

Khu vực rau - củ - quả ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội

Chúng tôi đến chợ đầu mối Long Biên vào một đêm cuối tháng 10, không hẳn là đông đúc, bon chen, nhưng sự vội vã lại được thể hiện rất rõ trong từng bước chân, từng hoạt động. Trái với không khí tĩnh lặng của màn đêm buông xuống bên ngoài đường Yên Phụ, thì bên trong trục đường Hồng Hà, khu chợ đầu mối “lấy đêm làm ngày” này lại hoạt động một cách khá sôi nổi.

Từ 10h tối, khu chợ đã nhộn nhịp kẻ mua người bán, tầm giờ này chủ yếu là những xe buôn từ tỉnh lẻ đổ về. Họ kịp đổ hàng trước khi ngày mới đến để quay về tỉnh bắt đầu công việc buôn bán. Từ 3h-4h sáng, khu chợ lại “tỉnh dậy” khi người buôn nội thành đến, các xe kéo lại hoạt động hết công năng. Cứ như vậy cho tới 7h sáng, chợ lại trở về vẻ “im ắng” bởi các xe buôn vãn dần, phu kéo cũng về nghỉ ngơi để nạp sức cho buổi chợ đêm tiếp theo.

Chợ đầu mối Long Biên tầm 1h sáng vẫn đang khá đông kẻ mua, người bán

Chợ Long Biên thường đông nhất vào ngày rằm hàng tháng. Những ngày này, nhu cầu mua hoa quả tăng cao, các mối tỉnh lẻ lấy hàng nhiều hơn ngày thường. Anh Huy (Phú Thọ), chủ buôn bưởi ở chợ đầu mối xấp xỉ 10 năm, chia sẻ rằng hoa quả ngày mồng một, ngày rằm hay lễ Tết thường bán được lãi cao hơn gần gấp đôi, nên những ngày đó chợ ồn ào, tấp nập hơn hẳn.

Vòng xe kéo mưu sinh

Ồn ào, tấp nập không chỉ có kẻ mua, người bán, mà còn bởi chính những phu kéo hàng, những con người cũng “lấy đêm làm ngày”. Vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo, những con người tại khu chợ đầu mối này, luôn chỉ biết gồng mình với những xe hàng không quản ngại mưa bão, cực nhọc. Đặc biệt, trong cuộc chiến vì đồng tiền ấy, rất nhiều người phụ nữ xa quê, xa chồng con, tự mình kiếm miếng cơm nuôi thân, nuôi gia đình. Có lẽ, khu chợ ồn ã, sôi nổi không chỉ bởi hoạt động mua bán trao đổi mà còn ồn ã, sôi nổi bởi chính những cuộc đời, những “cơn bão lòng” của những kiếp mưu sinh.

Người phu kéo gồng mình trong bước đi vội vã để kéo xe hàng.

Những người phu kéo ở đây thường bắt đầu công việc từ 9h tối hôm trước và kết thúc vào 7h sáng hôm sau. Khi các xe hàng tới, phu kéo lại gồng mình theo những chuyến hàng. Những bước đi vội vã mà chắc nịch trên từng đoạn đường gồ ghề, mấp mô. Tình cờ tôi có gặp một phu kéo nữ đang chờ xe hàng, hỏi chuyện mới biết là người cùng quê. Chị Hòa (Nghĩa Lộ, Yên Bái) là một phụ nữ tầm tuổi 40, đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở chợ đầu mối này được gần 5 năm. Chị một thân một mình xuống Hà Nội kiếm sống nuôi gia đình 4 đứa con cùng người chồng đã bị tàn phế một chân. Chị mua lại chiếc xe kéo với giá 500 ngàn đồng và cứ thế ngày nào cũng vậy, ai thuê thì kéo, chuyến nhiều thì được dăm ba chục, ít thì được vài đồng. Trung bình mỗi ngày chị kiếm được 200 ngàn đồng, nhưng nó là số tiền của mồ hôi, công sức kéo vài chục tạ hàng. Chị bảo, nghề này vất lắm, vì là lao động chính nên phải cố thôi, ngày trái nắng trở trời, người đau nhức mà vẫn phải gồng lưng lên kéo. Công việc vất vả là vậy, đối với người phụ nữ, nó còn vất vả gấp trăm lần.

Tranh thủ chợp mắt chờ lượt kéo tiếp theo

Ngoài chị Hòa, còn rất nhiều phu kéo cũng phải nai lưng, gồng mình kéo hàng. Họ đến từ các địa phương khác nhau, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh…, nhưng tất cả đều giống nhau ở một chữ “mưu sinh”. Đồng tiền kiếm được không dễ, đối với phu kéo chợ đầu mối, nó vất vả, nhọc nhằn, bán hết sức lực cho chốn xô bồ, chông gai.

Niềm lạc quan tìm trong vòng xe kéo

Vất vả, nhọc nhằn theo từng chuyến hàng, nhưng trong ánh mắt của phu kéo luôn ánh lên một niềm lạc quan. Tôi đợi đến gần 3h sáng, lúc này sương xuống đã nhiều, mồ hôi cũng thấm đẫm trên tấm áo người kéo xe tên Hưng (Vĩnh Phúc). Anh làm việc không ngừng từ 9h tối, cứ liên tục các chuyến hàng, mỗi chuyến cũng gần 1 tạ. Dây kéo đã in ghì lên cổ và vai anh, gương mặt ướt át mồ hôi, vậy mà khi đáp chuyện tôi, anh vẫn nở nụ cười điềm đạm: “Quen việc nên cũng không thấy mệt nhiều như những ngày đầu tiên, làm việc mà nghĩ về vợ, về con là vui hết mệt luôn”. Tôi thấy ánh mắt anh lóe lên một niềm hạnh phúc tràn trề khi nhắc về gia đình. Có lẽ động lực ấy đã giúp anh quên đi những vết lằn của dây kéo trên người mình…

Anh tâm sự, mỗi tháng kiếm được 6 - 7 triệu đồng, ngoài chi tiền ăn và nhà ở, anh gửi về cho gia đình được 5 triệu. Anh ăn ít, làm nhiều, có mệt mỏi, vất vả thì cũng cắn răng mà chịu vì giờ mình không làm thì ai lo cho gia đình mình. Anh giở tấm ảnh đứa con 3 tuổi trong ví mình cho tôi xem, nói: “Em hỏi anh động lực ở đâu, động lực ở đây này”. Có thể mỗi người có một niềm vui riêng, nhưng đối với anh Hưng, phu kéo chợ đầu mối Long Biên, niềm vui, lạc quan là ở đứa con gái 3 tuổi của mình.

Khác với anh Hưng, chị Hiền (Vĩnh Phúc) chưa có gia đình, chị làm việc ở chợ này chừng 2 năm nay, trước đó chị có làm giúp việc cho một gia đình ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị có nói rằng công việc ở chợ đầu mối có vất vả nhưng kiếm được lời nhiều, mình chưa có gia đình nhưng vẫn phải nuôi bố mẹ, hơn nữa cứ tích tiền còn lo cho cuộc sống sau khi kết hôn. Nói đến đây chị cười rất tươi, ánh mắt dường như muốn nói nhiều hơn về ước mơ của mình nhưng vẫn rụt rè, ngần ngại.

Chắc chắn không chỉ có anh Hưng, chị Hiền mà còn rất nhiều người phu kéo cũng có chung số phận với nhau, tất cả đều có những mục đích riêng cho mình mà phấn đấu. Chính những mục đích đó là niềm lạc quan, động lực cho những phu kéo. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó nằm ngay nơi người thân, gia đình, chỉ có như vậy mới giúp cho lao động chốn xô bồ này quên đi những giọt mồ hôi, những chai sạn in hằn trên ngón tay hay những cơn đau mình lúc trái gió trở trời…

Hải Linh Trần

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/cho-dau-moi-long-bien-va-nhung-vong-xe-keo-muu-sinh.html