Chớ coi thường khi nhức răng sưng má

Triệu chứng ban đầu là nhức răng, sau đó là sưng má trông như má chàm bàm (còn gọi là quai bị) kéo dài nhiều tháng liền mà điều trị bằng thuốc không có kết quả, đến khi lấy sinh thiết kết luận ung thư nướu răng thì đã muộn.

Một bệnh nhân nữ đến kiểm tra tư vấn tầm soát ung thư

Nhầm lẫn viêm nha chu

Câu chuyện về bệnh nhân Trương Thị M (62 tuổi) ở xã Tân Thiện, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tử vong vào cuối tháng 7 vừa qua do ung thư nướu răng khiến cho gia đình bà M đến nay vẫn chưa hết sốc.

Theo hồ sơ bệnh án, bà M thường hay nhức răng, viêm lợi hàm dưới nên ăn uống khó chịu. Vì vậy, vào giữa năm 2015, bà M vào TP.HCM khám bác sĩ răng hàm mặt phòng khám tư nhân để được tư vấn. Sau khi khám tổng quát, bác sĩ tư vấn cho bà M nên nhổ 4 cái răng yếu, lung lay để trồng răng giả cố định với kinh phí tổng cộng là 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, nửa năm sau, bà M bắt đầu cảm thấy đau nướu răng nằm chung quanh phần mềm trồng răng giả.

Trở lại tái khám, bác sĩ bảo bà M bị viêm lợi lâu ngày không điều trị nên chuyển qua viêm nướu có dấu hiệu ửng đỏ, sưng tấy và dễ bị chảy máu. Về quê, bà M uống thuốc thấy bớt đau, tuy nhiên nướu răng vẫn còn sưng tấy nhưng do bận bịu công việc làm ăn nên bà M quên đi một thời gian dài không tái khám.

Cuối năm 2015, bà M bắt đầu cảm thấy đau nhức răng hàm dưới. Bà M lên TP.HCM đến bác sĩ trồng răng giả yêu cầu kiểm tra. Sau khi khám, bác sĩ kết luận tất cả các loại răng đều tốt nhưng “bệnh nhân M đã bị viêm nha chu rất nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do viêm nướu lâu ngày không điều trị dứt điểm”. Viêm nha chu có thể hiểu là các “tổ chức” chung quanh răng gồm nướu, xương ổ răng và dây chằng đều bị viêm nhiễm. Toa thuốc điều trị của bác sĩ cho bệnh nhân M vẫn là thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh và kéo dài 10 ngày.

Phát hiện... đã muộn

Lần này để yên tâm bà M đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM để khám. Tại đây sau khi bác sĩ chỉ định chụp XQ thì bất ngờ phát hiện “bệnh nhân M bị tiêu (hủy) xương hàm”.

Thế nhưng, cả uống và chích kháng sinh vẫn không có tác dụng, bà M vẫn tiếp tục sưng má, nướu răng bưng mủ lở loét gây đau nhức và chảy máu nhiều hơn.

Lúc này, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt nghi ngờ bệnh nhân M có dấu hiệu ung thư nướu răng. Đúng như dự đoán, sau khi sinh thiết khu vực lưu trú ổ bệnh của nướu răng, BV Ung bướu TP.HCM kết luận bà M bị ung thư nướu răng, sau đó đưa ra liệu trình hóa trị trong thời gian 15 ngày, sau đó là xạ trị.

Vào giữa tháng 7, khi mới hóa trị được một tuần lễ, “má chàm bàm” của bệnh nhân M bất ngờ xẹp xuống, nhưng bệnh nhân lại không ăn uống được, hễ ăn vào là ói ra, cơ thể gần như suy nhược hoàn toàn. Thế nên, sức khỏe bà M chỉ cầm cự đến cuối tháng 7, ung thư nướu răng di căn gây tràn dịch màng phổi, sau đó tử vong.

Theo TS. Bùi Chí Viết, Trưởng Khoa ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư nướu răng không có dấu hiệu đặc trưng, tuy nhiên các trường hợp mắc bệnh đều xuất hiện trường hợp sưng khó lành, vết loét màu đỏ hoặc trắng, chảy máu nướu thậm chí răng bị lung lay và đến nay chưa xác định nguyên nhân gây bệnh.

“Qua thống kê gần đây nhận thấy, ung thư nướu răng đứng thứ ba, thứ tư các ung thư về hốc miệng, thường gặp trung bình ở tuổi 60 - 80, nữ nhiều hơn nam. Bướu thường xuất phát ở 1/3 sau nướu răng hàm dưới (70%). Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn trễ, lúc đó đã xuất hiện hủy xương trên phim Xquang. Trong điều trị, phẫu thuật chiếm gần 14%; xạ trị 66%; phối hợp phẫu xạ khoảng 6%. Trong đó, nếu phát hiện sớm thì phẫu thuật cho tỉ lệ kiểm soát bệnh cao, đạt trên 80%”, TS BS Bùi Chí Viết.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cho-coi-thuong-khi-nhuc-rang-sung-ma-post172273.html