Chờ 10 năm, Quỹ hỗ trợ điện ảnh vẫn 'nằm trên giấy'

5 năm trước, ngay tại LHP Việt Nam lần thứ 17 ở Phú Yên, hưởng ứng lời kêu gọi thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL lúc bấy giờ là ông Hoàng Tuấn Anh, Công ty Thiên Ngân Galaxy đã góp 200 triệu đồng, Hãng phim truyện VN, UBND tỉnh Phú Yên, Hãng phim Giải Phóng mỗi đơn vị 10 triệu đồng… Thế mà đến nay, vì trái với nhiều quy định hiện hành, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa thể ra đời.

Hôm qua (1/12), tại Hà Nội, Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh. Trong dự thảo tổng kết, TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đã nêu rõ 7 tồn tại trong quá trình thi hành cũng như 8 đề xuất cần sửa đổi, bổ sung luật này. Một trong những vướng mắc được quan tâm hiện nay chính là việc 10 năm, với 2 lần trình Chính phủ, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập.

1. Bên lề hội thảo, Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho biết, một Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là rất cần thiết. Giới làm phim đã trông chờ sự ra đời của quỹ này từ rất lâu. “Với nhiều người, việc phải tìm nguồn hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài là điều cực chẳng đã. Bởi các quỹ này chủ yếu tài trợ những bộ phim phản ánh mặt trái của xã hội” - nhà biên kịch chia sẻ - “Trong khi chúng ta cần những bộ phim phản ánh đúng đắn và nhân văn hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam”.

“Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đã thành hiện thực sau khi anh tự tìm kiếm được kinh phí từ nhiều nguồn

Ông Đoàn Minh Tuấn còn dẫn ra ví dụ về việc rất nhiều học trò của ông đã lỡ các cơ hội làm phim, dù có trong tay những kịch bản tốt, hoặc không thể tham dự các liên hoan phim quốc tế vì không đủ chi phí. “Lương Đình Dũng - một học trò của tôi đã mất hơn 10 năm để làm được bộ phim Cha cõng con. Một kịch bản nhân văn mà tôi nghĩ nó xứng đáng được hỗ trợ” - biên kịch Đoàn Minh Tuấn kể.

Ông Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - thì cho biết, các nước Đông Nam Á đều đã có Quỹ hỗ trợ điện ảnh, trừ Việt Nam. Từ năm 2005, Hàn Quốc cũng đã lập Quỹ đầu tư phát triển điện ảnh với sự chung tay đóng góp của doanh nghiệp điện ảnh và Chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc quy định trích 3% giá vé đóng góp cho quỹ này. Số tiền vận động góp vào quỹ này đến năm 2015 dừng lại ở mức khoảng 2.000 tỷ won nhưng thực tế khi Chính phủ huy động đã lên tới 11.000 tỷ won. Tính đến năm 2014, quỹ này tham gia đầu tư sản xuất 47 phim. Đó thực sự là những con số “trong mơ” với điện ảnh Việt!

2. Còn nhớ ngay tại LHP Việt Nam lần thứ 17 ở Phú Yên, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL lúc bấy giờ là ông Hoàng Tuấn Anh, công ty Thiên Ngân Galaxy đã đóng góp 200 triệu đồng khởi động thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Thậm chí, ông Hoàng Tuấn Anh còn giao Cục Điện ảnh soạn thảo ngay chiến lược phát triển điện ảnh để trình Thủ tướng thông qua; đồng thời còn yêu cầu thành lập một hội đồng tư vấn phát triển điện ảnh gồm những nghệ sĩ tên tuổi.

Tuy nhiên, 5 năm sau, Quỹ hỗ trợ phát triển vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Thực tế, điều 6 Luật Điện ảnh hiện hành ghi rõ: “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh điện thành lập để sử dụng cho các hoạt động sau: a/ Thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; b/ Hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay được tuyển chọn...”. Cũng theo điều 6, Quỹ này được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức và cá nhân trong hoặc ngoài nước.

Vậy thì vì sao dù đã được quy định rõ trong Luật, Quỹ này vẫn chỉ “nằm trên giấy”?

Theo TS Ngô Phương Lan, việc soạn thảo thành lập Quỹ được thực hiện từ 2010. Bộ VH,TT&DL cũng đã 2 lần trình Thủ tướng xem xét nhưng Quỹ chưa được thành lập vì chưa xác định được nguồn vốn.

“Nếu không có nguồn thu ổn định thì không duy trì được quỹ. Mà như thông lệ quốc tế, nguồn thu cơ bản này là từ vé, tất nhiên vẫn có hỗ trợ của nhà nước. Bộ từng đề xuất trích 3% từ giá vé xem phim, nhưng điều này không được chấp thuận vì vướng các quy định hiện hành khác.

Ở Pháp, các đài truyền hình phải đầu tư từ 30-35% kinh phí cho các dự án phim qua Trung tâm Điện ảnh quốc gia. Quy định này nằm trong luật của họ. Trong khi ở Việt Nam thì ngược lại, phim điện ảnh muốn chiếu trên truyền hình phải có tài trợ!” - bà Ngô Phương Lan nói thêm.

Được biết, năm 2017, Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục sửa đổi đề án và trình Chính phủ xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. “Nhiều nhà làm phim trẻ, nhiều dự án thể nghiệm sẽ có hy vọng” - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn hồ hởi và ông đặt hy vọng quỹ sẽ kích thích sự xuất hiện của những nhân tố mới...

Hoàng Lê
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cho-10-nam-quy-ho-tro-dien-anh-van-nam-tren-giay-n20161202064119114.htm