Chính thức nghiên cứu, áp dụng công nghệ nước sạch của Đức cho người dân ngoại thành Hà Nội

Quyết định dừng dự án hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình, đồng thời chuyển sang nghiên cứu, áp dụng mô hình mới cấp nước sạch hộ và cụm hộ cho khu vực nông thôn. Đây là quan điểm của UBND TP Hà Nội vừa được nói rõ trong Công văn số 5882/UBND-ĐT.

Áp dụng công nghệ mới

Dự án hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình trước đây được UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT đảm nhiệm không hiệu quả. Mặc dù được triển khai từ năm 2013 với quyết tâm sẽ tạo ra 40.000 bể lọc giúp người dân nông thôn có nước sạch sử dụng nhưng dự án bể lọc này liên tiếp gặp trục trặc ở khâu ngân sách.

Cho đến tháng 7-2016 mới chỉ có 10.000 hộ dân có bể lọc, 30.000 hộ dân còn lại thuộc 4 huyện: Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên vẫn chưa biết bao giờ nước sạch của dự án mới về đến gia đình mình. Trong phiên họp HĐND gần đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định dự án này phải dừng lại, không làm tiếp theo mô hình các bể nhưng tiếp tục tiến hành triển khai theo hướng dùng bình với công nghệ của Đức cho các hộ dân. Hiện ngân sách năm 2016 là 30 tỷ đồng, Sở NN&PTNT không còn vai trò sử dụng nên Ban cán sự TP quyết định chuyển số tiền này sang nguồn đầu tư công nghệ. Số tiền này đủ mua 20.000 bình lọc, đủ để cung cấp nước cho khoảng 300.000 hộ (chứ không phải 30.000 hộ còn lại như trong dự án này).

Công văn số 5882/UBND-ĐT mới đây của UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc trước đề xuất của Sở Kế hoạch và đầu tư xin điều chỉnh giảm 30 tỷ đồng trong kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2016 của dự án Hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình (Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015) để bố trí cho các dự án khác.
Sở Xây dụng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá kết quả thí điểm mô hình nước sạch hộ và cụm hộ sử dụng thiết bị do hãng WatchWater (Cộng hòa liên bang Đức) cung cấp tại các huyện Phú Xuyên và Chương Mỹ. Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng nhằm tạo mô hình mới về quản lý sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; tổng hợp, báo cáo UBND TP trong tháng 10-2016.

Thiết bị lọc nước của Đức lắp đặt tại trạm bơm nước thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng cho ra nước sạch uống ngay được tại vòi. Ảnh: Gia Bảo

Những thử nghiệm khả quan

6 tháng vừa qua TP đã cho thử nghiệm thiết bị lọc nước của hãng WatchWater tại 4 gia đình thuộc huyện Phú Xuyên. Tiếp theo, TP cũng lắp đặt chỉ trong một ngày công nghệ xử lý nước mới tại trạm nước thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ với công suất cho 60 hộ. Nước qua công nghệ xử lý uống ngay được tại vòi. Đây là công nghệ xử lý nano hoàn toàn mới áp dụng đa dạng cho một hộ, một nhóm các gia đình, thậm chí cho một xã với công suất lên tới 300.000m3/ngày đêm. Với công nghệ mới số hộ được dùng nước sạch tăng lên rất nhiều so với dự án và dự kiến ban đầu, bởi 1 bình được lắp đặt đủ cấp nước cho 15 hộ. Theo đánh giá của các chuyên gia, nó sẽ có tuổi đời đến 15 năm. Công nghệ tiên tiến này giúp các hộ dân sử dụng được nguồn nước mặt, nghĩa là hút nước trực tiếp từ sông lên không cần phải qua bề lọc và trong vòng 15 năm đó không cần dùng bất cứ một hóa chất gì.

Hiệu quả không chỉ nằm ở chỗ người dân có nước sạch mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Chẳng hạn, một dự án cung cấp mạng nước sạch do Cty nước sạch Hà Nội lập tại hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai đòi hỏi chi phí từ 67 triệu đồng/hộ mới có được mạng cấp. Hiện các dự án nước mặt sông Hồng đòi hỏi 52 triệu đồng, các dự án của ADB và dự án của Sở NN&PTNT phát triển trong 6 năm vừa qua đòi hỏi 46 triệu đồng/hộ thì với công nghệ này cao nhất chúng ta chỉ mất 5,6 triệu đồng/hộ và nếu số hộ tăng lên thì chi phí chỉ 3 triệu đồng/hộ hoàn toàn nước sạch, sử dụng ngay được.

Sau khi có đánh giá chính thức hiệu quả của công nghệ lọc mới, UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành áp dụng trên diện rộng cho người dân các huyện ngoại thành.

Hiện Hà Nội có 23 công trình nước sạch nông thôn không hoạt động, trong đó có 10/23 công trình dừng hoạt động hoặc chuyển thành trạm cấp nước trung chuyển nước sạch từ hệ thống nước sạch TP; 4/23 công trình xây dựng dở dang và 9/23 công trình dừng hoạt động do dân không sử dụng hoặc công trình bị hư hỏng không cấp được nước cho nhân dân. Trong số 83 trạm cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động ổn định cho tổng công suất 57.083m3/ngày đêm, có nhiều trạm xây dựng từ lâu, nhỏ lẻ nên thất thoát nước lớn, có trạm thất thoát đến 70%, trung bình khoảng 30%.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/chinh-thuc-nghien-cuu-ap-dung-cong-nghe-nuoc-sach-cua-duc-cho-nguoi-dan-ngoai-thanh-120519