Chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật, có một vị trí khá quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ đóng góp vào thu nhập của nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Thế nhưng hiện nay phần lớn số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nguy cơ đình đốn sản xuất kinh doanh đang hiển hiện...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số gần 350.000 doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, khoảng 95% là nhỏ và vừa, song phần lớn đang gặp khó khăn. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 20% doanh nghiệp khó có thể tiếp tục hoạt động; 60% thành viên hiệp hội đang chịu tác động của khó khăn kinh tế, nên sản xuất sút kém. Nhiều công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. Nếu Nhà nước không kịp thời hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không thể tồn tại. Để giải quyết vấn đề trên, ngày 30-6-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, quy định các chính sách trợ giúp và quản lý Nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách trợ giúp này bao gồm các giải pháp và kinh phí thực hiện, được đưa vào kế hoạch hằng năm và 5 năm của các Bộ, ngành, địa phương và nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu của chương trình này ưu tiên trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Theo Nghị định này, trong thời gian tới Nhà nước áp dụng tám chính sách căn bản để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, gồm: Chính sách trợ giúp tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp. Về chính sách trợ giúp tài chính, Nhà nước khuyến khích thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành cơ chế khuyến khích và dành một số dự án hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính phù hợp mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình trợ giúp đào tạo, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực lập dự án, phương án kinh doanh; thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn cấp từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quỹ này sẽ tài trợ kinh phí cho các chương trình, dự án trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước trợ giúp về mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh hoặc di dời ra khỏi nội thành để bảo đảm cảnh quan môi trường. Nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất tiên tiến; giới thiệu, cung cấp thông tin về công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ quốc gia hằng năm dành một phần kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tạo điều kiện dành tỷ lệ nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng để cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm nhiệm chức năng chủ trì, hướng dẫn kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, chủ yếu tập trung vào quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích thành lập vườn ươm doanh nghiệp để thực hiện hỗ trợ có thời hạn doanh nghiệp trong giai đoạn khởi sự thông qua việc cung cấp cho các doanh nghiệp được ươm tạo không gian, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các nguồn lực cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa, thương mại hóa các ý tưởng kinh doanh và công nghệ. Chính phủ đã có chính sách rất cụ thể nhằm trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phần mình, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại hoạt động để tạo ra sự minh bạch trong điều hành và giữ cho được chữ tín. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có chiến lược hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là hướng đi đúng, góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. GIANG LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/83226/Default.aspx