"Chính sách tài khóa của Việt Nam nên có động thái tích cực..."

(InfoTV) - Trong 2 năm 2008-2009, kinh tế Việt Nam không những phải gánh chịu tác động của cơn bão lạm phát cao trong nước mà còn đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái trầm trọng của nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách tài chính của Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi kịp thời đã góp phần tích cực đưa Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Và bước sang năm 2010 và những năm tiếp theo Việt Nam cần phải xây dựng chính sách như thế nào để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội vững chắc, đồng thời chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng? Tại hội thảo về “Hoạch định chính sách tài chính thời kỳ sau khủng khoảng”, báo chí đã có cuộc phỏng vấn với TS, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (ảnh) về vấn đề này. * Thưa ông, năm 2010 được đánh giá là năm mà nền kinh tế thế giới đã bước sang giai đoạn hậu khủng hoảng. Vậy để nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong dài hạn thì cần có những chính sách gì? Vũ Thành Tự Anh: Trước hết phải ổn định nền kinh tế vĩ mô. Kế đó là phải có các chính sách liên quan đến việc mở rộng không gian tài khóa để Bộ Tài chính cũng như Chính phủ Việt Nam có một không gian lớn hơn để thực thi các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Để mở rộng không gian này thì đầu tiên là phải tăng cường hiệu quả của việc chi ngân sách, đặc biệt là các khoản chi công bởi vì ngân sách của Việt Nam đầu tư công cho kinh tế rất lớn khiến tổng đầu tư của nền kinh tế lên đến 42% GDP. Con số này được đánh giá là cao nhất thế giới và khó có thể duy trì lâu được bởi kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn của nước ngoài . Chính vì vậy Việt Nam phải tăng cường hiệu quả của đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải thận trọng với những dự án có tính chất đồ sộ trong năm 2010 vì khả năng huy động vốn, cũng như khả năng thu xếp về nguồn vốn của Việt Nam chưa chắc chắn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới cũng như thị trường vốn quốc tế như hiện nay. Vì vậy phải tập trung hoàn thành nốt các dự án đã triển khai để đưa vào sử dụng để góp ích cho sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, về mặt trung và dài hạn thì Việt Nam nhất thiết phải cải cách cơ cấu. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề cơ cấu ngay trong ngắn hạn như: đầu tư kém hiệu quả, nhập siêu, thủ tục hành chính rắc rồi, cơ sở hạ tầng còn yếu kém... thì chúng ta sẽ khó có thể tạo ra được nền tảng vững chắc để cho nền kinh tế có thể phát triển tốt trong thời gian trung và dài hạn. * Hiện nay, nền kinh tế thế giới được đánh giá là đang hội phục và bước sang thời kỳ hậu khủng hoảng sẽ. Theo ông đánh giá thì Việt Nam đã bước sang được thời kỳ hậu khủng hoảng chưa và chính sách về tài chính sẽ ảnh hưởng như thế nào trong thời gian tới? Vũ Thành Tự Anh: Nếu nhìn ra xung quanh và nhìn vào nền kinh tế thế giới mà cụ thể là 4 nền kinh tế thế giới lớn nhất là Mỹ, Nhật, EU và Trung Quốc thì chúng ta đều thấy có những dấu hiệu của sự phục hồi. Cụ thể nếu nhìn vào nền kinh tế Mỹ thì chúng ta thấy con số về GDP bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, số lượng thất nghiệp giảm, sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng và chỉ số niềm tin của thị trường cũng bắt đầu hồi phục... Đây là những dấu hiệu tích cực không chỉ ở Mỹ mà còn ở các thị trường khác như EU và Nhật Bản. Đặc biệt, Trung Quốc là nền kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ nhất thế giới. Trong quý 4/2009, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự tăng trưởng 10,7% và năm 2009 tăng trưởng của Trung Quốc đạt 8,7%. Tuy nhiên, cũng còn có những lo ngại về nền kinh tế thế giới có thể sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng kép, tôi nghĩ nguy cơ đấy không phải là không có cơ sở bởi căn cứ vào điều kiện thị trường BĐS và tín dụng ở Mỹ vẫn còn có nhiều khó khăn và những nguy cơ này nếu xảy ra trong năm nay thì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cũng đừng lo lắng quá về vấn đề này bởi hiện nay nền kinh tế thế giới nói chung đã bắt đầu có những dấu hiệu tươi sáng và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng nền kinh tế 2010 sẽ có triển vọng tương đối tốt đẹp. Nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi hy vọng sẽ có triển vọng tốt đẹp trong năm 2010. Ảnh minh họa * Và trong bối cảnh đó thì chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông? Vũ Thành Tự Anh: Chính sách tài khóa của Việt Nam gắn rất chặt với chính sách của thế giới vì nền kinh tế của Việt Nam rất mở, hơn nữa chính sách tài khóa của Việt Nam phải được đặt trong một chính sách tổng thể vĩ mô bao gồm chính sách về tiền tệ và chính sách tái cơ cấu. Và vì vậy theo tôi, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn nên có những động thái tích cực để hỗ trợ cho việc tăng trưởng của nền kinh tế và đồng thời phải theo dõi các biến số, cụ thể là theo dõi về tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân, nếu 2 biến số này tăng lên thì đầu tư của Nhà nước nên giảm bớt để một mặt, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực tư nhân và tiêu dùng và đặc biệt là không làm cho nền kinh tế quá nóng. Yếu tố thứ 2 theo tôi cũng rất quan trọng, đó là vấn đề tăng trưởng hiệu quả, năng suất lao động và năng suất đầu tư. Nếu chúng ta có thể đầu tư rất nhiều và cải cách theo nhiều hướng nhưng cuối cũng vẫn không tăng được hiệu quả và giá trị gia tăng, không tăng năng suất thì hiệu quả cũng không đạt được như mong muốn. Ổn định nền kinh tế vĩ mô là ưu tiên số 1 của Việt Nam * Hiện nay, vấn đề ưu tiên cho tăng trưởng hay ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, cụ thể là trong việc vay vốn, thưa ông? Vũ Thành Tự Anh: Tôi được biết, ưu tiên số 1 của Việt Nam là ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đây là một đính hướng đúng đắn nhưng việc chúng ta thưc hiện đến đâu và cách làm như thế nào mới quan trọng. Nếu ổn định nền kinh tế vĩ mô thì các mục tiêu khác sẽ đạt được, và ngược lại. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có thực trạng lớn giữa bất ổn vĩ mô và tăng trưởng. Cụ thể trong 5-7 năm trước nếu lạm phát có lên đến 10% thì giá để trả cho tăng trưởng cũng không cao như bây giờ, nhưng năm 2008, chỉ cần lạm phát tăng lên thì lập tức tăng trưởng đã giảm 2-3%. Tuy nhiên, hiện nay đã có dấu hiệu xuất hiện 1 số yếu tố khiến nền kinh tế của Việt Nam có thể sẽ nóng trở lại, cụ thể nếu nhìn vào chỉ số CPI, vào tháng 8/2009, CPI của Việt Nam chỉ khoảng 2% nhưng đến tháng 1/2010 CPI đã lên 9% so với cùng kỳ năm 2009 trong cả nước. Ngoài ra, những dấu hiệu khác liên quan đến bong bóng của thị trường BĐS và chứng khoán cũng bắt đầu có dấu hiệu trở lại cùng với việc tăng tín dụng của năm 2009. Dấu hiệu về nhập siêu bắt đầu tăng lên, thâm hụt cán cân thanh toán... đây là những dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế vĩ mô và nếu Việt Nam không có những điều chỉnh ngay từ bây giờ thì có thể đến giữa năm nó sẽ có những dấu hiệu rõ rệt hơn về sự nóng lên của nền kinh tế. * Vậy 1 trong những giải pháp là chúng ta phải thắt chặt tiền tệ? Vũ Thành Tự Anh: Tôi không nghĩ Việt Nam phải có động thái hoàn toàn về việc thắt chặt tiền tệ, quan trọng là việc điều hành linh hoạt hơn. Chẳng hạn như về thanh khoản ngân hàng, đến nay một số lớn ngân hàng đang có vấn đề về thanh khoản do vậy Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giảm căng thẳng về thanh khoản này, đồng thời giảm lãi suất và làm thế nào cho việc huy động vốn cũng như việc cho vay được trở nên thuận tiên hơn. Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất trần là 12%, nhưng trên thực tế các ngân hàng đã cho vay với lãi suất lên từ 15-17% với nhiều các khoản phí. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có động thái cụ thể trong vấn đề này. * Vấn đề dự báo trong chính sách quan trọng như thế nào thưa ông, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp? Vũ Thành Tự Anh: Chính sách rất cần có tính dự báo, đặc biệt là chính sách vĩ mô bởi vì thị trường có thể hiểu được định hướng chính sách sẽ như thế nào và nếu có thay đổi thì thị trường cũng có thể đoán trước được để có sự điều chỉnh thích hợp tránh tình trạng chính sách thay đổi một cách đột biến vì khi thay đổi đột biến khiến doanh nghiệp trở tay không kịp sẽ gặp thiệt hại lớn, nhất là khi doanh nghiệp cần thực hiện những khoản đầu tư trung và dài hạn. Xin cảm ơn ông! InfoTV Thúy Ngân

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/ngan-hang-tai-chinh/tin-tuc/41614-chinh-sach-tai-khoa-cua-viet-nam-nen-co-dong-thai-tich-cuc