Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Đảng và Nhà nước quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các thảm họa do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trước những khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (16/11/1994). Trong giai đoạn 10 năm đầu sau khi ký kết, công tác xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn hạn chế. Trước năm 2005, mới chỉ có một số văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành như: Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy văn năm 1994; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001…

Từ năm 2005 đến nay, Quốc hội đã quan tâm hơn đến việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này được phản ánh qua sự ra đời của các luật như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Đê điều năm 2006; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, tránh thiên tai năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 19941; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015,… Với các văn bản nói trên, Việt Nam cơ bản đã tạo đủ khung thể chế và chính sách để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, trước những bất cập trong quá trình thực hiện, sự chồng chéo giữa các luật, các chính sách,... Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, bên cạnh các luật trên, Chính phủ đã ban hành những chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như:

Ngày 17/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg về tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu. Ngày 6/4/2007, Chính phủ ra Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu giai đoạn 2007 - 2010; Ngày 16/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 bằng Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg.

Năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành (kèm theo Quyết định 158/TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Khí tượng, Thủy văn đến năm 2020 (Theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22/6/2010), trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã được coi trọng ở tầm chiến lược quốc gia với sự kiện ra đời Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (kèm theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 Thủ tướng Chính phủ). Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đưa ra quan điểm chiến lược, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu và các biện pháp thực hiện2.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới (Đề án 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012). Vấn đề biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia (2011 - 2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2015), chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý vùng bờ, cung cấp và sử dụng năng lượng.

Đặc biệt, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đề cập trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Điều này cho thấy, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác này. Điều 63, Hiến pháp (2013) nêu rõ: 1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; 2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; 3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại3.

Ngày 17/11/2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, theo đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)4. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhằm chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, ngày 7/1/2022, Chính phủ ra Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định có 5 chương, 35 điều quy định rõ những vấn đề liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Tiếp đó, ngày 10/1/2022, Chính phủ ra Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị định quy định chi tiết các điều khoản liên quan đến các nội dung về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường5.

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong ban hành chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách liên quan tới quản lý ngành và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Nội dung của chính sách, pháp luật hướng tới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển; chủ động triển khai một bước các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn và những vùng đặc biệt khó khăn.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 25/11/2022, Ban Thường trực Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức Hội nghị Ký kết và triển khai Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) - (Ảnh minh họa)

Chính sách và pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định trách nhiệm, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm qua, nội dung bảo vệ môi trường đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lồng ghép trong các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. Nội dung tuyên truyền của Ban Công tác Mặt trận đã bám sát định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã ban hành những văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể”6.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 2/12/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Quyết định đã nêu rõ quan điểm: “Chiến lược Bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân; Bảo vệ môi trường phải trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mọi người dân, của toàn xã hội về bảo vệ môi trường.

Danh mục 36 chương trình, kế hoạch, đề án và dự án ưu tiên cấp quốc gia về bảo vệ môi trường trong: Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã xác định cơ quan chủ trì chương trình là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương có liên quan là cơ quan phối hợp7.

Ngày 21/6/2012, Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước. Trong khoản 2 Điều 5. Phổ biến, giáo dục về tài nguyên nước ghi rõ: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; giám sát việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra8.

Đến năm 2015, công tác bảo vệ môi trường trở thành là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đáng chú ý là: Ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị nêu rõ:… Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân… Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường9.

Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 23/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thành công trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế đó, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Điều 4 của Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) nêu rõ: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đối với trách nhiệm và quyền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về bảo vệ môi trường, Điều 157 (Chương XIII - Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường) của Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) quy định rõ:

“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường”10.

Bên cạnh đó, Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất rắn sinh hoạt (mục 2. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt) nêu rõ: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; và Điều 166 (Chương XV) về Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định: Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động về bảo vệ môi trường11. Những điều này đều liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư.

Nhiều điều khoản trong Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) có liên quan đến trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư về vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về vấn đề bảo vệ môi trường: Tại mục 2 (Chương V) về Bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn có: Điều 57. Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư; Điều 58. Bảo vệ môi trường nông thôn; Điều 59. Bảo vệ môi trường nơi công cộng; Điều 60. Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân. Mục 3 (Chương V) về Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực có: Điều 61. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Điều 62. Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người; Điều 63. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng; Điều 64. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng;...12.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu: Tại Chương VII - Ứng phó với biến đổi khí hậu có: Điều 90. Thích ứng với biến đổi khí hậu; Điều 91. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Điều 92. Bảo vệ tầng ô-dôn; Điều 93. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch;...13.

Tiếp đó, nhằm thực hiện và triển khai thuận lợi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, ngày 10/1/2022 Chính phủ ra Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tại Điều 26. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường (mục 1, Chương III) đã xác định cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án;...14.

Từ chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chương trình phối hợp, hướng dẫn,... về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến như: Chương trình hành động Đại hội lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” về nội dung bảo vệ môi trường; Chương trình phối hợp số 20/CTrPH-MTTW-BTNMT ngày 26/12/2016 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017 - 2020;

Chương trình phối hợp số 25/CTrPH-MTTW-TCTV-TNMT ngày 8/11/2017 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Cựu chiến binh Việt Nam - Tổng Hội Y học Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường về Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2019; Hướng dẫn số 84/HD-MTTW-BTT ngày 30/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận đã thể hiện vai trò chủ trì, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, gắn với đối tượng đặc thù, đưa nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt, hội họp ở khu dân cư, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm.

Từ năm 2006, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 31 tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng “Mô hình điểm lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” tại 64 khu dân cư được lựa chọn. Năm 2017, Ban Chủ nhiệm Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn 49 tỉnh, thành phố duy trì, và xây dựng mới các mô hình điểm.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, triển khai đạt kết quả tốt, điển hình như: Hội Phụ nữ, có cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2009, xây dựng được nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: mô hình “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh”, “Bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”, “Phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”… Đoàn Thanh niên, có “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”; “Hành trình xanh”;... Hội Nông dân, có phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, tạo thói quen vệ sinh làng xóm thành nét văn hóa thôn quê, xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Hội Người cao tuổi, có phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” gắn với xây dựng nông thôn mới...

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức Hội nghị ký kết và triển khai Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Từ 3 mô hình điểm do Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng vào năm 2016, trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước đã có gần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác giám sát, phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh, các kiến nghị của Nhân dân được xử lý kịp thời góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và những tác động xâm hại đến bầu khí quyển…

Có thể khẳng định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa cả hiện tại và tương lai.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đánh giá: “Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực: Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được tiếp tục hoàn thiện và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tích cực triển khai điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế các nguồn tài nguyên. Kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác tài nguyên, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Tăng cường đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, xử lý nghiêm theo pháp luật một số vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chú trọng chất lượng môi trường sống, cơ bản bảo đảm cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn. Chủ động triển khai thực hiện Chương trình quốc gia và nhiều giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả bước đầu. Nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh”15.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và mang tính toàn cầu, một nhiệm vụ vừa phức tạp, cấp bách, vừa có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự “thành - bại” của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một công việc lâu dài, vì vậy, muốn công tác này bền vững, đạt kết quả hơn nữa thì cần phải được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành chức năng, phải có sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng như các đoàn thể quần chúng. Nhà nước cần phải tạo điều kiện về mọi mặt để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ to lớn và hết sức quan trọng này. Đây là một yêu cầu khách quan trong quá trình đổi mới của đất nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa để phát huy và huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, lại vừa góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đây là những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển bền vững nói chung.

Chú thích:

1. Sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014, 2020.

2. Nguyễn Đức Minh, Xây dựng chính sách, pháp luật và triển khai các hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 19 (347), tháng 10/2017, tr.37-44.

3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Công báo, từ số 1003-1004, ngày 29/12/2013.

4. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 (trừ khoản 3 Điều 29 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021).

5. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Công báo, số 169-170, ngày 30/1/2022.

6. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-41-nqtw-ngay-15112004-cua-bo-chinh-tri-ve-bao-ve-moi-truong-trong-thoi-ky-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-278.

7. Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nguồn: https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=12424&tagid=6&type=1.

8. Xem, Luật Tài nguyên nước, Công báo, từ số 481 đến số 482, ngày 6/8/2012.

9. Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-chi-dao-dieu-hanh/chi-thi-so-25ct-ttg-ngay-3182016-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-mot-so-nhiem-vu-giai-phap-cap-bach-ve-bao-ve-moi-truong-2245.

10,11,12,13. Xem, Luật Bảo vệ môi trường, Công báo, số 1185-1186, ngày 25/12/2020.

14. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Công báo, số 169-170, ngày 30/1/2022.

15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr. 66.

Ngô Hoàng Nam - Tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/chinh-sach-phap-luat-cua-nha-nuoc-ve-phat-huy-vai-tro-cua-mttq-viet-nam-tham-gia-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-57018.html