Chính sách dân tộc - Xuyên suốt sự nhân văn (3)

Bài 3: Để chính sách 'thấm' vào đời sốngĐBP - Đúc kết kinh nghiệm, bài học từ các giai đoạn trước, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến, từ đội ngũ cán bộ triển khai chính sách, đến người thụ hưởng. Chính sách triển khai hiệu quả, chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số được nâng lên. Trong đó, những hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở giữ vai trò chủ đạo.

Bài 2: Chọn lọc để phát triển

Bài 1: Chính sách mở lối về nẻo sáng

“Nắng mới” Rạng Đông

Xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) có 3 dân tộc cùng sinh sống gồm: Kháng, Mông và Kinh, trong đó dân tộc Kháng chiếm tỷ lệ lớn nhất (58%). Điều đặc biệt là có một bản gần 100% là người Kinh (bản Rạng Đông) - đây là bản người Kinh quê gốc tỉnh Thái Bình lên phát triển vùng kinh tế mới từ năm 1961. Chính vì thế nên bản có cái tên rất “miền xuôi” (tên xã sau khi chia tách từ xã Phình Sáng cũng đặt theo tên bản là Rạng Đông).

Bí thư Đảng ủy xã Là Văn Thoan cho biết: Do tập quán đặc thù của người dân, trước đây cứ xong mùa thu hoạch (ngô, lúa nương), đàn ông thì ở nhà nấu rượu, uống rượu, phụ nữ thì lên rừng lấy măng, lấy củi. Vòng tròn đó quay từ năm này qua năm khác, cuộc sống tự cung tự cấp. Vấn đề là họ không cho đó là khổ, là kém phát triển, cứ an phận thế thôi! Nhưng xã hội thì luôn vận động, hướng đến cái tốt đẹp hơn; quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Để làm được điều này, cán bộ chủ chốt ở cơ sở phải là những người “kéo” họ tiến lên phía trước. Đó là trách nhiệm, là mục đích công tác.

Lãnh đạo xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân bản Rạng Đông.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông, mặc dù khi hoạch định chính sách, Chính phủ và các cơ quan, địa phương tham mưu đã nghiên cứu nhưng triển khai chính sách giống như “một phương trình có nhiều nghiệm”, nghĩa là có thể đặc thù địa hình, khí hậu, dân tộc giống nhau nhưng mỗi nơi lại có một kết quả khác. Đơn cử, cách ứng dụng chính sách của người Mông ở xã Pú Nhung sẽ khác người Mông ở xã Rạng Đông.

Hiện nay xã Rạng Đông đang triển khai mô hình trồng xoài Đài Loan với diện tích trên 40ha tại bản Nậm Mu và 6ha bưởi từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Xoài Đài Loan đã thu hoạch vụ đầu cho sản lượng trên 20 tấn, giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Theo đánh giá của xã, đây là vụ đầu, kết quả trên là chấp nhận được. Điều quan trọng là người dân đã dần định hình được việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Rạng Đông đã le lói “nắng mới” của sự đổi thay, phát triển.

Cây xoài Đài Loan mang lại hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Kháng, bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.

Để minh chứng cho những điều mình nói, Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông Là Văn Thoan cùng chúng tôi đến bản Nậm Mu - bản có gần 100% dân cư là người dân tộc Kháng. Đến thăm gia đình ông Quàng Văn Pánh, Bí thư chi bộ bản Nậm Mu và cũng là hộ trồng thử nghiệm 1ha xoài Đài Loan, hiện đã cho thu hoạch 0,5ha với sản lượng 2 tấn. Gia đình ông Pánh đã xuất bán với giá 8.000 đồng/kg. Chia sẻ về lần đầu tiên trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, ông Pánh cho biết: 16 triệu đồng không phải số tiền quá lớn nhưng đối với người dân bản Nậm Mu chúng tôi thì đây là thành quả rất tốt. Trước đây, chỉ có các hộ ở bản Rạng Đông (bản 100% người Kinh) mới có mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nay ngoài nhà tôi ra còn có hơn 20 hộ nữa trong bản Nậm Mu trồng xoài Đài Loan (17 hộ đã cho thu hoạch). Xã đứng ra làm trung gian để đơn vị bao tiêu ký cam kết tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đang “tiến theo người miền xuôi” rồi đấy!

Nhờ những chính sách dân tộc, người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc đang dần vươn lên. Trong ảnh: Người Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé phơi ngô.

Chăm lo toàn diện

3 chương trình mục tiêu quốc gia với trọng điểm là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục triển khai sâu, rộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và các vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên cả nước nói chung. Mặc dù có những giai đoạn, có những chính sách áp dụng chưa đạt kết quả, hiệu quả như mong muốn nhưng không thể phủ nhận, chất lượng đời sống vật chất - văn hóa - tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày một nâng lên. Quan điểm "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển" của Đảng còn được thể hiện rõ qua các hoạt động xã hội hóa, các chương trình kêu gọi hỗ trợ người dân tộc thiểu số miền núi ở Điện Biên của các bộ, ngành. Đặc biệt gần đây nhất là Đề án Hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Thống kê số liệu thì rất lớn, rất nhiều nội dung và đôi khi chỉ mang tính số học vì qua mỗi giai đoạn là những chuẩn mức cao hơn để bình xét (chuẩn nghèo, mức thu nhập trong tiêu chí nông thôn mới, mức độ hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin…). Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất, đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ chúng tôi là: Nguồn lực chính sách của Nhà nước dành cho dân tộc thiểu số rất lớn, vậy phải làm thế nào, làm cái gì để thúc đẩy, nâng cao mọi mặt đời sống người dân?

Đời sống kinh tế dần ổn định, đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện quan tâm tới gìn giữ các bản sắc văn hóa truyền thống.

Hiện nay, huyện Tuần Giáo xác định, nhiệm vụ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là hàng đầu. Trong đó tập trung một số lĩnh vực chủ lực, huyện có ưu thế, tiềm năng và liên kết tiêu thụ tốt như mắc ca, cà phê, cây ăn quả phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Người dân phải là chủ thể trong phát triển kinh tế. Bởi khi họ nỗ lực lao động sản xuất và thành công thì đương nhiên nhận thức cũng đã được nâng lên; nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần từ đó sẽ đến. Và những cán bộ từ huyện đến cơ sở sẽ tiếp tục đồng hành, phục vụ sự phát triển toàn diện của bà con.

Tỉnh Điện Biên là địa bàn cực Tây Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia dài hơn 455km tiếp giáp với 2 nước: Lào, Trung Quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. 18/19 dân tộc, chiếm trên 82% dân số của tỉnh là người dân tộc thiểu số. Điện Biên tiếp tục nhận được quan tâm chăm lo rất lớn, liên tục của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số - những người chịu thiệt thòi do phải sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, khó khăn về giao thông, hạ tầng… Đồng bào đã và đang được quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện mọi mặt đời sống, nhất là trình độ nhận thức, tri thức, sản xuất để người dân tộc thiểu số từng ngày vươn lên./.

Lãm Chi Quyên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xay%20dung%20dang/209659/chinh-sach-dan-toc---xuyen-suot-su-nhan-van-3