Chính sách, chỉ đạo nổi bật của Chính phủ có hiệu lực trong tuần

Không để nhóm lợi ích chi phối xây dựng thể chế, khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết;..... là những chính sách, chỉ đạo nổi bật của Chính phủ từ ngày 12 đến 16/12.

Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh miền Trung, Nam trung Bộ khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Ảnh: Xuân Hoa.

Trước việc, người dân Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa phải gồng mình chịu nhiều trận lũ khiến kiệt sức với mưa lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và cấp báo động; chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong và sau mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát; chủ động huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh ngay sau khi lũ rút.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông, trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội xuân 2017. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy mạnh triển khai hình thức bán vé qua mạng Internet, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm tra việc niêm yết giá vé; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải như chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định; không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.

Trong dịp này, Cục Cảnh sát giao thông sẽ mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến đường. Theo đó, các tổ công tác CSGT sẽ được bố trí ở các tỉnh, thành, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hạn chế ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các vụ tụ tập, đua xe trái phép, xử vi phạm nồng độ cồn...

Kiểm soát, ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu

Theo Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.

Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các kênh phương tiện thông tin đại chúng đăng tải bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm và công khai tên, địa chỉ và kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về tạp chất.

Thanh kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm một lần, không chồng chéo

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp mỗi năm một lần, không trùng lắp, chồng chéo.

Thủ tướng cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.

Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Không để nhóm lợi ích chi phối quá trình xây dựng thể chế

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng thể chế phải giám sát, kiểm tra, kiên quyết không để nhóm lợi ích chi phối; đồng thời, rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...

Theo VNE

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/chinh-sach-chi-dao-noi-bat-cua-chinh-phu-co-hieu-luc-trong-tuan-108039/