Chính quyền địa phương ở đâu khi lập khu du lịch quốc gia?

Hôm qua (27-3), những người ủng hộ việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà có lẽ đã phần nào thỏa mãn khi chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ xem xét lại quy hoạch phát triển du lịch bán đảo này để đảm bảo an ninh, môi trường mà có thể kết hợp với phát triển kinh tế.

Một góc bán đảo Sơn Trà, đoạn trên đường lên chùa Linh Ứng - Ảnh: Đào Loan

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trong cuộc họp báo ngày 27-3 cho biết, sau khi lắng nghe dư luận và có ý kiến chỉ đạo của bộ, ngành trung ương, UBND đã thống nhất báo cáo xin ý kiến Thường vụ Thành ủy cho xem xét lại quy hoạch phát triển du lịch ở đây.

Ông Tuấn cho biết, Thường vụ Thành ủy sẽ thống nhất cho xem xét rà soát, nếu có vấn đề cần điều chỉnh thì báo cáo Thủ tướng cho ý kiến thực hiện. Dự án quy hoạch tổng thể Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia là do Tổng cục Du lịch nghiên cứu thông qua các sở, ngành rồi phối hợp với UBND thành phố báo cáo với Thủ tướng phê duyệt.

Câu chuyện là ở đây. Phải chăng chính quyền địa phương đang phải "đứng ngoài" trong việc quy hoạch những khu du lịch quốc gia ngay tại địa phương nên chỉ khi quy hoạch được duyệt, đi vào thực hiện, thấy có vấn đề thì mới xem xét để đề nghị chỉnh sửa.

Theo quy định của Luật Du lịch và quy trình thực hiện quy hoạch khu du lịch quốc gia của cơ quan chức năng thì không phải vậy. Địa phương là nơi trực tiếp tham gia vào quá trình này và hoàn toàn có thể nói "không" ngay từ khi bắt đầu nếu thấy có vấn đề.

Theo điều 20 của Luật Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chủ trì tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành, vùng du lịch, địa bàn du lịch trọng điểm, khu du lịch quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt theo thẩm quyền. UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương.

Trao đổi với TBKTSG Online, một quan chức của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết quy trình thực hiện quy hoạch khu du lịch quốc gia phải thực hiện theo các bước sau.

Đầu tiên, khu này phải nằm trong danh mục khu du lịch quốc gia trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Bộ có thể giao cho cơ quan trực thuộc là Viện Nghiên cứu phát triển du lịch làm đơn vị tư vấn thực hiện hoặc có thể tổ chức đấu thầu chọn đơn vị bên ngoài làm việc này.

Kế đến, đơn vị tư vấn phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, từ cấp tỉnh (thành phố), huyện, xã cùng các sở, ngành liên quan để làm quy hoạch và phải có ý kiến chính thức của UBND thành phố (tỉnh) nơi đó về nội dung.

Sau đó, đơn vị lập quy hoạch, thường là Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan rồi lập quy hoạch. Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định, gồm những thành viên như đại diện bộ, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia du lịch và đặc biệt phải có đại diện của địa phương để thẩm định quy hoạch. Sau khi hội đồng này thông qua thì quy hoạch mới được trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

"Chúng tôi tuân thủ đúng quy trình này khi làm quy hoạch khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, với Sơn Trà thì còn làm chặt chẽ hơn, thậm chí chậm tiến độ vì liên quan đến yếu tố an ninh nên phải chờ ý kiến Bộ Quốc phòng và phải mất đến ba năm để lập quy hoạch. Chính quyền địa phương theo suốt khâu quy hoạch chứ không phải chỉ được thông báo sau khi hoàn thành", vị quan chức này nói, và cho biết thêm nếu địa phương có ý kiến không tán đồng thì quy hoạch không thể hoàn thành.

Như vậy, nếu bản quy hoạch có vấn đề thì địa phương cũng có phần trách nhiệm và nếu phải xem xét lại quy hoạch thì địa phương cũng cần phải xem xét lại tại sao bản quy hoạch đó lại ra đời.

Cả nước hiện có một số khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch như khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang, khu du lịch Sơn Trà, khu du lịch núi Bà Đen, Mộc Châu, Mẫu Sơn. Cơ quan chức năng đang tiếp tục lập quy hoạch của một số khu du lịch quốc gia khác để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Nếu địa phương không quyết liệt thể hiện ý kiến ngay từ đầu, ngăn cản những nội dung không phù hợp thì sẽ dẫn đến hệ hụy, việc ai người nấy làm, lập quy hoạch thì cứ lập, đến khi thực hiện mà có vấn đề thì sẽ đề nghị xem xét. Khu du lịch quốc gia nằm trên đất địa phương quản lý cũng như cái nhà của mỗi gia đình vậy. Không ai có thể tự do vào sắp xếp, bày biện khi chưa được phép của chủ nhà.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/158390/chinh-quyen-dia-phuong-o-dau-khi-lap-khu-du-lich-quoc-gia.html/