Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với đại đoàn kết dân tộc

Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp từ ngày 6 đến 8-6-1969 tại khu rừng Tà Nốt - Tà Đạt, H.Châu Thành (nay là H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, đã quyết định thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) và Hội đồng Cố vấn CPCMLTCHMNVN.

Các đại biểu biểu quyết bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, tháng 6-1969. Ảnh tư liệu

Trong thành phần của các cơ quan này đã quy tụ những người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, thể hiện yếu tố liên hiệp rộng rãi nhằm đoàn kết toàn dân tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam trước khi CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn Chính phủ ra đời đã diễn ra đầy sôi động với nhiều phong trào yêu nước theo các xu hướng khác nhau. Tất cả các phong trào yêu nước ấy dù theo xu hướng nào cũng đều có mục đích bảo vệ dân tộc, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống văn hóa ngoại lai, chống lại sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; đấu tranh cho hòa bình, tự do và thống nhất nước nhà.

Từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1968, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam có bước phát triển mới làm xuất hiện phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Những phong trào ủng hộ này không chỉ trong giới nhân sĩ, trí thức mà còn lan rộng ra các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình trong và ngoài nước.

CPCMLTCHMNVN ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam, một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ. Chính phủ cách mạng lâm thời ra đời còn là một đòn giáng mạnh vào chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ.

Trước tình hình ấy, tháng 8-1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) họp hội nghị bất thường đã đưa ra Cương lĩnh chính trị với 4 nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới gồm: Đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước; Xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh; Lập lại quan hệ bình thường giữa 2 miền Nam - Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; Thi hành chính sách ngoại giao hòa bình và trung lập.

Ngày 20 và 21-4-1968, tại một địa điểm gần Sài Gòn - Chợ Lớn, đại biểu các nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà tu hành, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan và công chức tiến bộ trong chính quyền Sài Gòn đã họp hội nghị thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (Liên minh) do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch. Tại hội nghị đại biểu lần thứ 2, Liên minh đã thông qua Cương lĩnh chính trị và xác định chính trị phải “Đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, đánh đổ chế độ bù nhìn tay sai, thành phần lập chính phủ liên hiệp dân tộc, dân chủ và hòa bình”.

2. Cách mạng miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968 có nhiều biến chuyển đòi hỏi phải có một chính phủ để thực hiện nhiệm vụ không chỉ đối nội mà cả đối ngoại. Theo chủ trương và dự kiến đã đề ra, từ ngày 23 đến 25-5-1969, Mặt trận và Liên minh đã tiến hành hội nghị hiệp thương dưới sự dẫn đầu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đại diện của Mặt trận và luật sư Trịnh Đình Thảo đại diện cho Liên minh. Hội nghị đánh giá đã đến lúc phải thành lập chính phủ cách mạng lâm thời để đáp ứng tình hình và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân miền Nam.

Ngày 6-6-1969, Đại hội quốc dân miền Nam đã tán thành việc thiết lập chế độ cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và nhất trí thành lập Chính phủ lâm thời ở miền Nam lấy tên là CPCMLTCHMNVN với mục tiêu “Độc lập - Dân chủ - Hòa bình - Trung lập”.

3. CPCMLTCHMNVN ra đời là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngay khi tuyên bố thành lập, CPCMLTCHMNVN đã được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước anh em và bạn bè trên thế giới; đã có 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Sự ra đời của CPCMLTCHMNVN thể hiện quyền làm chủ của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Là một thực thể chính trị đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tuy chỉ tồn tại trong 6 năm, từ tháng 6-1969 đến tháng 7-1975, nhưng sự hiện diện của CPCMLTCHMNVN là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vẫn còn để lại những bài học đặc biệt sâu sắc cho hôm nay, nhất là chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/chinh-phu-cach-mang-lam-thoi-cong-hoa-mien-nam-viet-nam-voi-dai-doan-ket-dan-toc-3168417/