Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Zika

Trước tình trạng dịch bệnh do vius Zika gây ra đang lan rộng, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều đoàn công tác do Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đến các địa phương có dịch, chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống dịch bệnh.

Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đến ngày 13/10 đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe; 22 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo chứng đầu nhỏ có liên quan đến nhiễm virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận 8/12 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Riêng ở Singapore, từ cuối tháng 8 đến nay đã ghi nhận đợt bùng phát dịch do virus Zika với trên 400 trường hợp mắc; ở Thái Lan ghi nhận trên 200 trường hợp; những nước còn lại, các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9 trường hợp dương tính với virus Zika tại 5 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh 05, Bình Dương 01, Khánh Hòa 01, Phú Yên 01, Long An 01) trong tổng số 2.769 mẫu xét nghiệm virus Zika. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết Dengue (SXH) hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được WHO đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất.

Hiện tại bệnh SXH đang lưu hành trên 128 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 3,8 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 85.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố, tăng 58,1% so với cùng kỳ 2015; tỷ lệ mắc ở nước ta là 81/100.000 dân trong khi đó tỷ lệ này ở một số nước trong khu vực là: Malaysia 255/100.000 dân, Singapore 228/100.000 dân, Philippines 100/100.000 dân.

Cả Zika và sốt xuất huyết đều do cùng một loài muỗi truyền bệnh. Nguyên nhân do gia tăng di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền, tốc độ đô thị hóa cao, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika trên thế giới và nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta, trong năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đến các địa phương có dịch, chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó tập trung làm tốt công tác thông tin truyền thông, chủ động theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng tránh đối với người đang sinh sống hoặc đi, đến từ vùng có dịch bệnh do virus Zika, nhất là đối với phụ nữ có thai để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; thường xuyên áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy, tích cực thực hiện Chỉ thị của Bộ Y tế và tổ chức chiến dịch phát động “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”.

Xử phạt hành chính tổ chức, cá nhân "chống đối" việc phòng chống dịch Zika, SXH

Đến ngày 9/9, cả nước ghi nhận hơn 65.000 ca mắc SXH (số mắc tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 20 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 12/9, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 983 bệnh nhân mắc SXH, chưa có trường hợp nào tử vong (số mắc giảm 48% so với cùng kỳ năm 2015).

Đến ngày 13/10, cả nước ghi nhận 9 trường hợp dương tính với virus Zika tại 5 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh 05, Bình Dương 01, Khánh Hòa 01, Phú Yên 01, Long An 01) trong tổng số 2.769 mẫu xét nghiệm virus Zika.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh 8 tháng, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước Đông Nam Á. Hà Nội là đầu mối giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới nên thành phố sẽ xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện công tác phòng chống dịch.

Căn cứ vào Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Điều 6. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

- Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

MỸ AN

Xem thêm video:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/chinh-phu-bo-y-te-quyet-liet-phong-chong-dich-benh-zika-a168469.html