Chìm ngập trong khó khăn, cổ phiếu thủy sản mất giá

(Vietstock) - Trong khi hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều công bố lãi lớn trong quý 2 thì các công ty thủy sản lại đón nhận một mùa báo cáo kết quả kinh doanh đầy ảm đảm với các khoản lỗ hàng chục tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận mạnh.

Đứng đầu danh sách lỗ nghiêm trọng phải kể đến CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) khi báo cáo quý 2 mất thêm 18.3 tỷ đồng, kéo dài trạng thái thua lỗ và nâng tổng lỗ lên hơn 80 tỷ đồng sau 6 tháng. Ngoài ra, CTCP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) cũng vừa công bố lỗ 620 triệu đồng trong quý 2. Do thua lỗ, cổ phiếu ANV đánh mất sự quan tâm của giới đầu tư tài chính khi hơn 1 tháng qua có khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 163,550 cổ phiếu, tương ứng 2,8 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, thống kê 1 tháng trước từ 28/5 đến 28/6, ANV giao dịch bình quân cao hơn gấp đôi, đạt 352,210 cổ phiếu tương ứng hơn 7 tỷ đồng mỗi phiên. Giá cổ phiếu ANV giảm mạnh từ mức hơn 22,000 đồng giữa tháng 6 xuống dưới 17,000 đồng/cp vào sáng nay 28/7. Cổ phiếu BLF cũng diễn biến ảm đạm tại sàn Hà Nội khi rớt từ mức giá hơn 20,000 đồng xuống còn 13,000 đồng kèm theo giao dịch tụt giảm hơn 70%. Một số doanh nghiệp may mắn thoát khỏi cảnh thua lỗ thì cũng đối mặt với tình hình sụt giảm lợi nhuận. Trong quý 2, CTCP Thủy sản Số 1 (HNX: SJ1) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 2.27 tỷ đồng, giảm 9% so với quý trước. Lãi sau thuế trong quý của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) chỉ đạt con số hết sức khiêm tốn với trên 815 triệu đồng và giảm mạnh 18% so với quý 1 năm nay. Riêng CTCP Thủy hải sản Minh Phú (HoSE: MPC) và CTCP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre (HoSE: FBT) đều đã lần lượt xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính quý 2/2009 đến trung tuần Tháng Tám và cũng không hứa hẹn lạc quan hơn. Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ và tình hình làm ăn bê bết trên là do các doanh nghiệp thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ các thị trường xuất khẩu đầu ra. Trong khi đó, giá cả đầu vào liên tục tăng cao do nguồn nguyên liệu thủy sản khan hiếm. Điển hình như Nam Việt có doanh thu lũy kế 6 tháng đạt 965 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lên đến 958 tỷ đồng, chiếm đến 99.2%. Do chi phí giá vốn quá cao trong khi Nam Việt không cải thiện được giá đầu ra dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản ngày càng khắc khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm, dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Một doanh nghiệp khác ngoài sàn niêm yết cũng cho biết trạng thái khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ. CTCP Procimex Việt Nam báo cáo tại nhiều thị trường tình hình tiêu thụ cá ngừ Việt Nam khá vắng vẻ khiến khối lượng cá ngừ xuất khẩu chỉ bằng 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu cá da trơn cũng giảm đến 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong các năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục suy giảm do tình hình kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng làm giá xuất khẩu biến động và thu hẹp sức mua. Ngoài ra, việc biến động tỷ giá cũng không có lợi cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu. Để khắc phục những khó khăn 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một số giải pháp cấp bách như duy trì, mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra...; Duy trì ổn định các thị trường truyền thống Nga, EU và theo dõi sát diễn biến thị trường Mỹ; Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiên quyết loại bỏ những lô hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, làm giảm giá xuất khẩu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra ĐBSCL; thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nuôi trồng thủy sản Bên cạnh đó, vẫn có những thông tin tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp. Vào tháng 10 này, khi Hiệp định toàn diện ASEAN – Nhật Bản có hiệu lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu vào nước này được miễn thuế hàng hóa đến 90%. Thêm vào đó, khi Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản công khai danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung không tạp chất, thì những doanh nghiệp làm ăn có uy tín sẽ tạo dựng đươc niềm tin nơi người tiêu dùng, từ đó nâng cao lợi nhuận kinh doanh. Theo báo cáo nhanh của Bộ Công thương, 15 ngày đầu tháng 7 ngành thủy sản xuất khẩu được 65,2 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu trị giá 174,8 triệu USD.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=123969&channelid=36