Chiềng Ken - điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh

Xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn có đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành. Nơi đây như một thung lũng nhỏ, bao quanh là những vạt đồi xanh tươi như che chắn cho các bản làng. Chiềng Ken có Di tích lịch sử văn hóa đền Ken và quần thể cây sui cổ thụ đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Đền Ken hay còn gọi là đình Ken tọa lạc trên đỉnh đồi Pù Đình, giữa lòng thôn Ken. Đền được lập dựng từ đầu thế kỷ XIX. Qua thời gian, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ken từng nhiều lần bị tàn phá, có lúc tưởng chừng không còn dấu tích. Năm 2006, đền chính thức được tôn tạo, xây dựng lại khang trang và được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Người dân trong vùng thường xuyên tới đền Ken dâng hương, hành lễ.

Ngay khi bước chân vào cổng, ngôi đền đã khiến du khách ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính, uy nghiêm và trầm mặc. Trấn giữ ngay trước cổng là một cây đa cổ thụ. Bước chân qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp 2 hàng cây lim xanh sừng sững tỏa bóng mát cho toàn bộ khu sân trước ngôi đền. Xung quanh là những vườn cây cổ thụ xanh mát, đem lại cảm giác thanh bình, yên ả.

Đền Ken thờ ông Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, các tướng lĩnh Tây Sơn và ông Nguyễn Hoàng Long - người đã có công duy trì, gìn giữ đền Ken. Ngày mùng Bảy tháng Giêng hằng năm là lễ hội chính của đền Ken. Vào ngày này, người dân trong vùng và du khách thập phương tới đây rất đông.

Như một lẽ dĩ nhiên, đã đến đền Ken, du khách không thể bỏ qua cơ hội tham quan đồi cây sui di sản Việt Nam, ngay phía sau ngôi đền. Đứng giữa đồi cây vào một ngày giữa mùa hạ mới thấy hết sự quý giá của những tán cây cổ thụ gần 300 năm tuổi này.

Anh Hoàng Văn Viển, người được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ đồi cây sui cổ thụ ở xã Chiềng Ken bảo: Người dân ở đây ai cũng được răn dạy từ nhỏ rằng phải bảo vệ rừng để có cuộc sống bình yên. Vì thế, không ai tự ý lên đồi chặt cây, bẻ cành hay đào cây con về trồng…Nhờ đó, hàng trăm, hàng nghìn cây sui nhỏ mọc chi chít quanh các gốc cây sui cổ thụ tạo thành một lớp thảm cây xanh non.

Cùng với cây đa tại đền Thượng (thành phố Lào Cai), 2 nhóm cây vân sam, đỗ quyên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) và quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly (Bắc Hà), thì quần thể 5 cây sui ở Chiềng Ken (Văn Bàn) cũng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo ông Lự Quốc Lưu, thủ nhang đền Ken: Tới đây vào dịp lễ hội, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian thú vị như đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, thi bắn nỏ, ném còn và hát then, hát chầu văn… Huyện Văn Bàn đã làm hồ sơ và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận đền Ken là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đến Chiềng Ken, du khách không những được thành kính dâng hương tại ngôi đền linh thiêng mà còn được tận hưởng không khí trong lành, tươi mát dưới những tán cây cổ thụ. Di tích lịch sử văn hóa đền Ken và quần thể cây sui cổ thụ là điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách khi đến huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/du-lich/chieng-ken-diem-den-trong-hanh-trinh-du-lich-tam-linh-z9n20190815093426394.htm