Chiến thắng Điện Biên Phủ - 'Nét son' từ hậu cần kinh tế - tài chính

Những ngày cuối tháng 4, không khí sôi động, tươi vui của thành phố núi rừng Tây Bắc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lan tỏa khắp nơi, thúc giục tâm trí mỗi người dân Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng lịch sử hào hùng của cả non song, dân tộc. Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' vào ngày 7/5/1954 là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó công tác kinh tế - tài chính là vô cùng quan trọng.

Dồn mọi nguồn lực cho tiền tuyến

Theo tư liệu lịch sử tại cuốn sách 70 năm Tài chính Việt Nam với ghi chép của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu kể lại về công tác chuẩn bị cho chiến dịch.

Ông hồi tưởng: “Ngay từ lúc bắt đầu chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ và Bác Hồ đã theo sát việc thi hành lệnh tổng động viên và hạ quyết tâm là phải bảo đảm cung cấp đầy đủ cho tiền tuyến để tiêu diệt toàn bộ quân địch trong chiến dịch quyết định này. Qua những cuộc thảo luận ở Ban Kinh tế Chính phủ mà tôi tham dự cũng như việc đi kiểm tra, tất cả các khu tỉnh miền Bắc ở vùng tự do cũng như ở các căn cứ du kích và vùng du kích ở địch hậu, tất cả các ngành kinh tế - tài chính đã chấp hành lệnh này một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao”.

Trước chiến dịch, về tài chính đã thực hiện thuế nông nghiệp lũy tiến thu bằng thóc, không những đã cung cấp đủ cho nhu cầu bộ đội, mà còn dư một phần chuyển cho mậu dịch quốc doanh bổ sung lực lượng để bình ổn giá gạo trên thị trường. Thuế công thương nghiệp và xuất nhập khẩu động viên đúng mức đã bảo đảm nhu cầu chi bằng tiền của quân đội và cơ quan nhà nước và bảo đảm cho công thương nghiệp phát triển hơn các năm trước.

Chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ảnh chụp tư liệu

Về tiền tệ, do đẩy mạnh xuất nhập khẩu, do chính sách tài chính thu thuế nông nghiệp và công thương nghiệp ở vùng địch hậu bằng cả hai đồng tiền (tiền ta và tiền địch với tỷ giá có lợi cho người nộp thuế) đã giúp cho tiền Việt Nam mở rộng được trận địa lưu hành, củng cố giá trị và Nhà nước tích lũy được một số tiền Đông Dương đáng kể để nhập những hàng cần thiết cho nhu cầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điều đặc biệt đó là ta khai thác được từ vùng địch ra trong thời gian ngắn khoảng 6 - 7 tháng một số lượng hàng cần thiết khá lớn gồm hàng triệu thước vải, hàng vạn buộc sợi, hàng chục vạn hộp sữa, hàng vạn thùng dầu, 6 - 7 nghìn xe đạp, hàng vạn săm lốp và quý nhất là hàng chục tấn thuốc tây đủ các loại từ thuốc kháng sinh đến thuốc sốt rét, kiết lỵ và vitamin. Cả muối và gạo cũng bắt đầu rút được từ vùng địch ra, giảm nhẹ được một phần gánh nặng vận tải từ liên Khu IV lên Việt Bắc.

Về hoạt động thương nghiệp cũng được lịch sử tài chính Việt Nam ghi lại đó là việc điều hòa thị trường, bình ổn giá cả, khuyến khích sản xuất, tăng thu nhập của nhân dân bằng chính sách hướng dẫn thương nhân đi vào các bản làng hẻo lánh khai thác nguồn lâm sản, thổ sản, vận tải muối từ Khu IV ra Việt Bắc. Với việc lãnh đạo và quản lý thị trường sáng suốt đã đảm bảo đời sống nhân dân giảm bớt khó khăn, giữ vững được giá cả các mặt hàng chính là gạo, muối, vải không còn đột biến. Giá trị đồng tiền Việt Nam so với đồng Đông Dương được củng cố và tỷ giá chuyến biến có lợi cho tiền ta.

Tình hình ngày một tốt đẹp đã cổ vũ lòng tin của hậu phương mà ta thi hành một cách thuận lợi lệnh tổng động viên, thực hiện khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.

“Sóng người” cuồn cuộn - gan không núng, chí không mòn

Công tác hậu cần trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng của ta tác chiến suốt 55 ngày đêm (từ 13/3/1954 đến 7/5/1954), với trở ngại lớn nhất đó là địa bàn vùng rừng núi hiểm trở, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch trên một khu vực có thể nói là sâu nhất của chiến trường rừng núi Tây Bắc, xa hậu phương chiến lược, địch đánh phá ác liệt; phải bảo đảm cho chiến dịch có quy mô lớn nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thời gian chiến dịch kéo dài.

Vì vậy, tình hình kinh tế - tài chính trước chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng, thuận lợi nhất để đảm bảo cung ứng cho chiến dịch. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chu đáo, toàn diện, bảo đảm yêu cầu phải đánh thắng, không thắng không đánh.

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số đạn cần cho chiến dịch tăng gần 3,5 lần, gạo tăng gần 2 lần.

Qua các hồ sơ của Chính phủ lưu trữ cũng như qua các tư liệu công tác của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu, kế hoạch chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ do Tổng cục Hậu cần và Ban Kinh tế Chính phủ bước đầu dự kiến là 25.000 tấn lương thực, 900 tấn thịt. Nhưng đến khi kết thúc chiến dịch phải chi hết 34.400 tấn lương thực (kể cả dân công ăn trên đường), 2.600 tấn thịt và thực phẩm khô, số lượng dân công là 260.000 người.

Lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến vận động mua công trái.

Đối với khối lượng thực phẩm như trên không phải lớn so với khả năng huy động của ta lúc đó. Khả năng huy động còn thừa, nhưng làm thế nào để tiếp tế lên tới Điện Biên, đó là “bài toán khó”? Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” và “bài toán” ấy đã có lời giải bằng việc nhân dân hưởng ứng, dồn sức người sức của để chi viện mặt trận Điện Biên Phủ.

Nhân dân ở vùng tự do, ở vùng mới giải phóng Tây Bắc, cũng như ở vùng sau lưng địch, đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Chúng ta đã tổ chức những tuyến cung cấp dài hàng mấy trăm kilômét từ Thanh Hóa hay Phú Thọ lên đến Tây Bắc, đi qua những quãng đường hiểm trở và ngày đêm bị địch oanh tạc phá hoại, tìm mọi cách cản trở sự vận chuyển của ta.

Có thể nói, chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch huy động đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân trên miền Bắc nước ta, từ Việt Bắc đến liên Khu IV, từ vùng tự do đến vùng địch hậu.

Trên tất cả các con đường từ Thanh Hóa đến Hồi Xuân, Vạn Mai, Suối Rút, từ Kim Tân ra Ria, từ Nho Quan đến Hòa Bình, Kẽm Han, Võ Miếu, Phù Yên đến Mù Cang Chải, từ Thái Nguyên qua Bình Ca sang Yên Bái, từ Phú Thọ đến Ân Lâu qua Nghĩa Lộ tới Sơn La... đều cuồn cuộn những dòng người vừa đi vừa hát với những ruột tương gạo đeo chéo hai vai và thắt vòng ngang bụng, những xe đạp cái đẩy cái đi, những con thuyền chống ngược dòng sông và thỉnh thoảng xuất hiện một vài xe tải mô-lô-tô-va nhấp nháy đèn pha chồm lên đập xuống khi qua những đường ngầm vượt sông Công gần Đại Từ và khúc sông Đáy gần Sơn Dương, rồi Bình Ca, rẽ đi Yên Bái.

Tinh thần của nhân dân và những chiến sỹ "Đầu nung lửa sắt, 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..." trong cuộc đấu tranh với thực dân Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 mùa hoa ban, là minh chứng chân thực nhất cho sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc.

Số lượng huy động nhân vật lực thực tế cho chiến dịch

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu ghi chép lại, thực tế con số ghi lại trong báo cáo của Hội đồng cung cấp trước phiên họp của Hội đồng Chính phủ trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành chuẩn bị, thì nhiệm vụ cụ thể phải động viên ở các liên khu như sau: Việt Bắc 4.660 tấn lương thực, 393 tấn thịt (đã thực hiện 454 tấn), 28.700 dân công vận chuyển và 60.000 dân công làm đường 1B, 6.321 xe đạp và 25 tấn thuyền, chưa kể hàng nghìn bè mảng.

Liên Khu III: lương thực 1.600 tấn, thịt 50 tấn, thực phẩm khô 55 tấn, muối 133 tấn, dân công vận chuyển trên 10.000, xe đạp 1.200 cái. Thanh Hóa đóng góp 9.050 tấn lương thực, đã thực hiện trên 16.500 tấn thịt, huy động thực phẩm khô là 640 tấn, dân công vận chuyển 94.000 người, xe đạp 4.550 cái, ô tô 30 cái, thuyền 955 cái.

Tây Bắc: vùng mới giải phóng góp phần đáng kể lương thực, lúc đầu dự kiến huy động trên 6.000 tấn (thực hiện 7.300 tấn), thịt 318 tấn (đã huy động 389 tấn), dân công vừa sửa chữa đường vừa vận chuyển gần 33.000 người. Ngoài ra còn huy động 350 tấn rau tươi. Kết quả các khu nói chung đều thực hiện vượt các con số được giao.

Hoàng Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chien-thang-dien-bien-phu-net-son-tu-hau-can-kinh-te-tai-chinh-149601-149601.html