Chiến lược về tương lai của châu Âu

Chương trình nghị sự chiến lược 2019-2024 vừa được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra những ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU) trong vòng nửa thập kỷ tới.

Theo đó, trong 5 năm tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung vào vấn đề nhập cư và bảo vệ biên giới bên ngoài - yếu tố bảo đảm tính toàn vẹn không gian chung của EU; tiếp sau đó là các ưu tiên liên quan tới vấn đề kinh tế và hành động vì khí hậu.

Một cuộc họp tại Ủy ban châu Âu

Trong mục “Bảo vệ công dân và tự do”, văn bản dự thảo nhấn mạnh mục tiêu của việc kiểm soát biên giới hiệu quả là để duy trì trật tự và luật pháp, đồng thời khẳng định thêm rằng các chính sách khác của châu Âu phụ thuộc vào hành động này. Theo dự thảo, trước hết, EU phải đảm bảo tính toàn vẹn cho không gian sinh tồn của mình. EU phải biết và đóng vai trò quyết định xem những ai được phép đặt chân lên lãnh thổ EU. Để đạt được mục tiêu này, khối châu Âu dự định duy trì và mở rộng liên kết với các quốc gia quá cảnh và quê hương của người di cư, bao gồm Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên cho biết họ quyết tâm tìm ra giải pháp cho chính sách tị nạn và chính sách di cư nội khối.

Hiện tại, chính sách khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu chỉ ở vị trí thứ ba trong chiến lược, sau nhập cư và phát triển cơ sở kinh tế. Vấn đề khí hậu là trung tâm trong nhiều chiến dịch, đáng chú ý là ở Đan Mạch, Phần Lan và Tây Ban Nha. Chiến lược thừa nhận rằng các chính sách phải phù hợp với các cam kết được đưa ra theo Thỏa thuận Paris và nền kinh tế châu Âu phải giảm đủ lượng khí thải để đạt được “tính trung lập khí hậu”. Tuy nhiên, chiến lược không ấn định thời điểm mà EU phải đạt việc hấp thụ được nhiều khí thải hơn mức tạo ra, điều này tiếp tục gây trở ngại trong các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên.

Về việc mở rộng khối, trước lời kêu gọi của EC về các cuộc đàm phán gia nhập EU của Albania và Bắc Macedonia, dự thảo chiến lược nhấn mạnh rằng các chính sách của EU phải gắn liền với mong muốn giữ cho cánh cửa mở đối với những người muốn và có thể gia nhập “gia đình” châu Âu…

Theo giới quan sát, chiến lược 2019-2024 có độ dài chỉ 3 trang giấy. Nếu so sánh văn bản mới này với những định hướng chiến lược và chương trình hành động EU đã có đến nay thì sẽ lại thấy nó không mới mẻ gì nhiều, đề cập rất toàn diện đến mọi khía cạnh song lại không có lộ trình cụ thể. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu một chiến lược “sơ sài” như vậy có thể làm kim chỉ nam để EU vượt qua một mớ bòng bong những bộn bề mà khu vực đang phải đối mặt hay không. Nội bộ EU đang bị chia rẽ. EU hiện tại không có bất kỳ một “anh hùng” nào có thể đi đầu trong công cuộc hàn gắn những chia rẽ đang ngày một cứa sâu vào nội bộ EU. Sau những bất đồng về Brexit, vấn đề đường ống dẫn khí dòng chảy phương Bắc và các cải cách khu vực đồng Euro, quan hệ giữa Pháp và Đức đã trở nên căng thẳng hơn.

Không những vậy, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy không ngừng phát triển, hình ảnh tranh quyền đoạt lợi giữa các lực lượng thân EU mới và cũ e cũng sẽ khiến người dân EU mất niềm tin vào những chính khách truyền thống, thách thức nỗ lực theo đuổi triển vọng phát triển EU. EU cũng đang thiếu vắng một chiến lược hoàn chỉnh thích hợp cho tương lai trong bối cảnh tình hình châu lục cũng như thế giới đã chuyển biến rất cơ bản trên mọi phương diện, quá chậm với việc định vị lại bản thân mình ở châu lục trong thế giới hiện đại, bế tắc phương cách và ý tưởng về phát triển theo chiều sâu và chiều rộng, kết hợp hài hòa để tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng.

Hiện nay, ai sẽ đảm nhận chức Chủ tịch EC khóa mới vẫn còn là cả một sự tranh đấu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ quan điểm rằng, ông không quan tâm nhiều đến người lãnh đạo EC, ông chú trọng nhiều hơn tới việc họ sẽ làm những gì trong 5 năm tới, đặc biệt là khi đảm bảo rằng các quy tắc cần phải được tôn trọng.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/chien-luoc-ve-tuong-lai-cua-chau-au-73459.html