Chiến lược tăng cường tự chủ của nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông qua Chiến lược an ninh quốc gia cập nhật với các trọng tâm là cảnh giác với các nguy cơ an ninh, hạn chế sử dụng USD, ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ, bảo vệ chủ quyền văn hóa.

Tổng thống Nga V. Putin ký phê duyệt Chiến lược An ninh quốc gia mới và văn bản có hiệu lực từ ngày 2/7. (Ảnh: TASS)

Với chiến lược này, “xứ sở bạch dương” sẽ tăng cường độc lập, tự chủ, song cũng nới thêm khoảng cách với phương Tây.

Bản Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga vừa được ông chủ Điện Kremlin thông qua nhằm thay thế bản chiến lược cũ đã được thông qua cuối năm 2015. Bản chiến lược này xác định các ưu tiên chiến lược và lợi ích quốc gia của Nga, đề ra biện pháp bảo vệ người dân và nhà nước từ các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, đặt ra các mục tiêu để tăng cường an ninh quốc gia, bảo đảm phát triển đất nước trong dài hạn.

Giới phân tích nhận định, tăng cường độc lập, tự chủ về kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ, cảnh giác với các thông tin cực đoan là những điểm nhấn quan trọng của chiến lược an ninh mới nêu trên. Theo đó, về an ninh, Nga bày tỏ lo ngại về việc gia tăng bất ổn và xung đột địa chính trị, gia tăng mâu thuẫn liên quốc gia, quá trình quân sự hóa dần dần vũ trụ, các mối đe dọa từ an ninh mạng, sự suy yếu của nguyên tắc và quy chuẩn luật pháp quốc tế…

Về kinh tế, Nga sẽ giảm sử dụng đồng USD trong ngoại thương, coi đây là biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế đất nước. Về đối ngoại, ưu tiên chính của Nga là mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, nước Nga cũng thể hiện sự cảnh giác cao độ với phương Tây khi chiến lược mới nhận định “chiến dịch phá hoại tâm lý, thông tin và Tây hóa văn hóa đang ngày càng làm gia tăng mối nguy khiến Nga mất chủ quyền văn hóa”.

Những điểm nhấn từ bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga đã gửi đi thông điệp cứng rắn của nước này đối với Mỹ và các đồng minh. Chiến lược này cho rằng, các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã làm tăng thêm các mối đe dọa quân sự mà Nga phải đối mặt.

Trong khi đó, ngay trước thời điểm Nga công bố chiến lược nêu trên, các lực lượng hải quân và không quân thuộc NATO đã tiến hành tập trận tại Biển Đen với các mục tiêu là cải thiện sự hợp tác của liên minh, đồng thời xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa các nước thành viên.

Trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây rơi vào tình trạng “đối đầu nhiều hơn đối thoại” suốt mấy năm qua, căng thẳng gần đây đã gia tăng sau các vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến của hai bên, những ưu tiên chiến lược mới của Moskva cho thấy tình trạng “băng giá” trong mối quan hệ song phương này khó có thể cải thiện trong tương lai gần.

Việc nước Nga buộc phải thực hiện một chiến lược tăng cường độc lập, tự chủ để tránh tổn thương từ bên ngoài có thể là cần thiết, song việc Nga - phương Tây chưa thể hòa giải, hợp tác cũng là điều đáng tiếc với cộng đồng quốc tế, bởi đây là những đối tác có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề chung của toàn cầu hiện nay.

Thăng Long

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/-chien-luoc-tang-cuong-tu-chu-cua-nuoc-nga-653620/