Chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan: Không còn lựa chọn

Có thể thấy Mỹ không có nhiều lựa chọn, cũng không dễ dàng để thoát khỏi tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' khi sa lầy quá lâu trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Lính Mỹ ở Afghanistan. (Nguồn: Daily Mail)

Sau hơn 7 tháng kể từ khi chính thức nhậm chức, cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố của Nhà Trắng đối với cuộc chiến dai dẳng suốt 16 năm qua tại Afghanistan.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Trump tuyên bố đây là chiến lược có sự thay đổi mạnh mẽ, song có thể thấy rõ một điều là cũng như chiến lược của những người tiền nhiệm, bản kế hoạch mới không hề có sự bảo đảm nào để nước Mỹ có thể sớm giành chiến thắng cuối cùng ở chiến trường Tây Nam Á này.

Có thể khái quát 5 điểm được nhấn mạnh trong chiến lược mới của chính quyền Trump. Thứ nhất là không xác định cụ thể số lượng binh sỹ tham chiến cũng như thời gian biểu cho cuộc chiến tại Afghanistan, mặc dù ông Trump đã không quên ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis triển khai kế hoạch điều thêm gần 4.000 binh sỹ, góp mặt cùng với 8.400 binh sỹ Mỹ hiện đang đồn trú tại Afghanistan, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện.

Điều này được ngầm hiểu Tổng thống Trump đã “bật đèn xanh” cho việc duy trì binh sỹ Mỹ tại mặt trận này, nếu không muốn nói là tăng cường can dự an ninh hơn nữa tại đây.

Thứ hai là gia tăng quyền tự quyết cho các lực lượng chiến đấu tại Afghanistan. Đây được coi là điểm thay đổi lớn nhất so với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn đặt ra các giới hạn trong tác chiến cho quân đội Mỹ tại chiến trường này trong những năm gần đây.

Thứ ba là nhấn mạnh tới yếu tố đối thoại chính trị, với mục tiêu cuối cùng là đưa lực lượng Taliban vào bàn đàm phán để có thể tiến tới một giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Thứ tư là gây sức ép nhiều hơn với Pakistan, buộc Islamabad có những biện pháp mạnh tay và hữu hiệu để chặn đứng hoạt động tiếp tay cho quân khủng bố ở quốc gia láng giềng là Afghanistan.

Theo Tổng thống Trump, Pakistan đã nhận từ Mỹ hàng tỷ đôla và quốc gia này sẽ mất nhiều hơn được nếu tiếp tục dung túng khủng bố.

Điểm thứ năm được ông Trump nhấn mạnh đó là hướng đến mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng tại Afghanistan chứ không chỉ tập trung vào việc “đưa lính Mỹ về nhà” như cựu Tổng thống Obama đã tuyên bố.

Ông Trump nêu rõ các mục tiêu quân đội Mỹ cần chiến thắng tại đây là “xóa sổ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nghiền nát mạng lưới al-Qaeda, ngăn chặn Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan và chặn đứng mọi vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ từ trước khi chúng manh nha."

Có thể thấy, chiến lược mới của ông Trump có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Và không quá khó để lý giải về điều này. Đặt trong bức tranh chống khủng bố tại "chảo lửa Trung Đông" với hai điểm nóng là Syria và Iraq mà Mỹ cùng Nga là một phần quan trọng, một chiến lược duy trì hiện diện quân sự Afghanistan có ý nghĩa quan trọng với Washington.

Không cần bàn cãi về sự yếu kém của chính quyền sở tại khi suốt nhiều năm qua, với sự “tiền hô hậu ủng” từ Mỹ, Afghanistan vẫn chật vật đối phó với bài toán an ninh. Thậm chí, phiến quân Taliban từ thế là tàn quân đã trỗi dậy mạnh mẽ tại nhiều địa phương, tiến hành hàng loạt vụ tấn công, gây mất an ninh nghiêm trọng.

Sau gần 16 năm Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, chính quyền được Mỹ hậu thuẫn tại Afghanistan vẫn chỉ kiểm soát được gần một nửa lãnh thổ, và an ninh, ổn định dường như vẫn là những khái niệm mơ hồ tại quốc gia Tây Nam Á này.

Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay, hơn 2.500 cảnh sát và binh lính Afghanistan đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Trong đánh giá mới nhất, công bố hồi tháng Năm vừa qua, các cơ quan tình báo Mỹ nhận định tình hình tại Afghanistan chắc chắn sẽ xấu đi trong năm tới, cho dù Mỹ và các lực lượng đồng minh triển khai thêm binh lính.

Trong khi đó, việc các tay súng IS bị truy quét ráo riết tại Syria và Iraq có thể tìm cách tháo chạy và tìm kiếm các căn cứ mới, trong đó không loại trừ Afghanistan. Và để tiếp sức cho cuộc thánh chiến của mình, IS không quên kích động, móc nối, cổ súy các mạng lưới khủng bố, các chân rết của chúng trên phạm vi toàn cầu thực hiện các vụ tấn công mới, đặc biệt nhằm vào các mục tiêu của phương Tây, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Trong bối cảnh như vậy, có thể thấy Mỹ không có nhiều lựa chọn, cũng không dễ dàng để thoát khỏi tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi sa lầy quá lâu ở Afghanistan.

Một mặt, Mỹ không muốn đổ thêm tiền vào cuộc chiến đã tiêu tốn quá nhiều tiền của này, nhưng không thể chọn một giải pháp đơn giản là bỏ mặc Afghanistan, bởi như vậy đồng nghĩa với chấp nhận thất bại cả trước mắt và đối mặt với nguy cơ lâu dài về khủng bố và cực đoan. Nhưng nhìn vào chiến lược mà ông Trump vừa công bố, không hề thấy những kế hoạch cụ thể giúp nước Mỹ có thể giành chiến thắng cuối cùng, hoặc chí ít là có thể đưa Taliban vào bàn đàm phán như mục tiêu đề ra.

Các đời Tổng thống Mỹ, từ cựu Tổng thống George W. Bush và mới đây nhất là cựu Tổng thống Barack Obama, đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau nhằm sớm khép lại cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan, song kết quả không như mong đợi.

Thực tế cho thấy, không có giải pháp dễ dàng nào cho chính quyền Tổng thống Trump trong hồ sơ này và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là vấn đề khiến chính quyền Mỹ đau đầu trong thời gian tới./.

Hồ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chien-luoc-moi-cua-my-tai-afghanistan-khong-con-lua-chon/462392.vnp