Chiến lược của những đơn vị làm sách nói

Chọn giọng đọc truyền cảm hoặc của những người nổi tiếng là một trong những chiến lược giúp các đơn vị làm sách nói 'kéo' thêm người nghe.

“Giọng đọc hay, cảm xúc quá”; “Mình nghe mà rớt nước mắt và muốn về quê liền”; “Một câu chuyện bình thường của cuộc sống nhưng nghe rất ý nghĩa và suy ngẫm được nhiều điều. Giọng đọc nghe thật ấm lòng”… là 3 trong số rất nhiều bình luận của độc giả khi nghe phiên bản sách nói Có ai giữ giùm những lãng quên của ca sĩ, tác giả Jun Phạm trên một ứng dụng về sách nói.

Những năm gần đây, sách nói trở thành định dạng phù hợp, tiện lợi cho nhiều người yêu sách hiện đại. Tác động đến người dùng qua hệ thống âm thanh nên việc chọn giọng đọc là khâu quan trọng trước khi cho ra đời một phiên bản sách nói.

Nếu có được giọng đọc truyền cảm của những “voice talent” chuyên nghiệp hoặc từ chính tác giả, người nổi tiếng, phiên bản sách nói đó sẽ mang đến diện mạo, đời sống mới cho một tác phẩm.

Ca sĩ Jun Phạm trong phòng thu âm cuốn sách của mình. Ảnh: Fonos.

Chọn giọng đọc của người nổi tiếng

Được đánh giá là một trong những quốc gia có sức bứt phá từ sách nói cao trên thế giới, một trong những chiến lược hiệu quả được các đơn vị làm sách nói ở Tây Ban Nha thực hiện là chọn người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, MC) có chất giọng tốt để đọc.

Các kênh sách nói ở quốc gia này, bao gồm cả Audible, Storytel, Podimo, là nơi những cuốn sách được các giọng nói quen thuộc trên màn ảnh thực hiện phần giọng đọc. Khi đó, độc giả sẽ hiểu rằng họ đang được nghe sách bằng giọng nói vốn đã quen thuộc và đầy uy tín. Đây cũng là điểm thu hút người dùng sách nói.

Cụ thể, ở quốc gia này, những phiên bản sách nói nổi bật, có nhiều lượt nghe đến từ giọng đọc của tên tuổi có tiếng như diễn viên, ca sĩ Leonor Watling (đọc Harry Potter); Alba Flores - diễn viên thủ vai Nairobi trong bộ phim ăn khách Vụ án triệu đô (đọc Người phụ nữ biên cương); diễn viên truyền hình Michelle Jenner (đọc Alice ở xứ sở diệu kỳ)…

Ở Việt Nam, chọn giọng đọc của người nổi tiếng cũng là một trong số những chiến lược mà các đơn vị làm sách nói đang thực hiện.

Ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos hiện có gần 500 cuốn. Trong đó, nhiều phiên bản được chính tác giả (là những người nổi tiếng trong giới giải trí) đọc.

Ở thể loại tản văn dành cho giới trẻ, bên cạnh phiên bản Có ai giữ giùm những lãng quên do ca sĩ Jun Phạm đọc, đơn vị này còn giới thiệu tới người dùng tác phẩm Tự tình lúc 0 giờ, Nợ nhau lời tạm biệt do tác giả, MC Liêu Hà Trinh đọc.

Một số người nổi tiếng cũng góp giọng để đọc một phân đoạn (lời tựa, lời mở đầu) cho tác phẩm của mình như diễn viên, siêu mẫu Thanh Hằng hay những tác giả best-seller như Phạm Công Luận - Đông Vy, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng Giang…

Theo bà Thái Minh Châu - Giám đốc Đối ngoại Fonos - tác giả tự thu âm, góp giọng đọc là một trải nghiệm vui, giúp độc giả của họ có thêm sự kết nối với phiên bản sách nói, đồng thời khẳng định uy tín của Fonos trên thị trường.

Diễn viên Thanh Hằng trong phòng thu âm lời tựa cho phiên bản sách nói của mình. Ảnh: Fonos.

Giọng đọc phải truyền cảm hứng, tạo ra kết nối

Để thu hút người dùng, việc chọn giọng đọc cũng phải hướng tới sự truyền cảm, phù hợp nội dung tác phẩm và tạo ra sự kết nối giữa người đọc và người nghe.

Bà Thái Minh Châu cho rằng một tác phẩm sách nói đòi hỏi giọng đọc truyền cảm, có sức bền và kỹ thuật ổn định. Bên cạnh đó, việc chọn người có sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực mà chủ đề sách đề cập tới cũng là một bước đi hiệu quả.

Theo đó, Fonos có một số tựa sách được lựa chọn bởi “Shark” Thái Vân Linh. “Chị ấy có những lời chia sẻ trước khi cuốn sách bắt đầu, nói về lý do thích ấn phẩm và đối tượng nên nghe phiên bản sách nói đó. Điều này như một sự bảo chứng, định hướng nội dung từ người nổi tiếng”, bà Minh Châu nói.

Ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - cũng nhận định việc chọn giọng đọc cần gắn liền nội dung tác phẩm gốc, tùy theo bối cảnh, ngôi kể, vùng, miền diễn ra câu chuyện và giới tính, đặc điểm từng nhân vật trong truyện.

Vừa qua, đơn vị này đã ký kết phát hành phiên bản sách nói những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó, phiên bản Mắt biếc đặc biệt do ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân thể hiện giọng đọc. Đây cũng chính là diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Ngạn trong bộ phim cùng tên.

“Chúng tôi lựa chọn giọng đọc không chỉ vì yếu tố nổi tiếng, mà còn bởi nhân vật có sự liên kết mật thiết với tác phẩm để đảm bảo cảm xúc và sự truyền cảm. Do đã lồng tiếng cho nhân vật Ngạn trong phim rồi, nên khi thể hiện phiên bản sách nói Mắt biếc, Phạm Đình Thái Ngân có những cảm xúc rất gần và chân thật với tác phẩm gốc”, ông Hoàng Thạch cho hay.

Chia sẻ về điều này, ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân cho biết trước khi thu âm Mắt biếc, anh gặp áp lực khi bản thân là ca sĩ chứ không phải “voice talent” chuyên nghiệp.

“Nhưng sau khi vào phòng thu âm, tôi bị cuốn vào cốt truyện, cảm giác như được sống cùng các nhân vật. Có những tình tiết trong sách có mà trên phim không có. Hy vọng phiên bản đặc biệt này sẽ mang đến trải nghiệm thú vị cho người nghe”, Thái Ngân nói.

Bình Nguyên được biết đến là “voice talent”, diễn viên lồng tiếng và thu âm nhiều tác phẩm. Anh chia sẻ việc đảm nhiệm giọng đọc cho một phiên bản sách nói tức là làm cho tác phẩm trên giấy trở nên gần gũi hơn với bạn đọc qua hình thức nghe.

“Phải đọc qua nội dung, nắm được tinh thần tác phẩm, ghi nhớ các nhân vật để chọn âm điệu đọc cho phù hợp, giúp người nghe dễ tiếp cận tác phẩm hơn. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện câu thoại sao cho đúng nguyên văn trên giấy”, Bình Nguyên cho hay.

Trong kho sách khoảng 2.000 cuốn, Voiz FM cũng có một số cuốn được tác giả tự thực hiện phần giọng đọc. Dù không phải “voice talent” chuyên nghiệp, không có sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật, chúng vẫn mang đến cảm xúc rất thật cho người nghe.

Thu Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-cua-nhung-don-vi-lam-sach-noi-post1313777.html