Chiến đấu quả cảm, giữ vững các trận địa bảo vệ bầu trời

Ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Những năm đầu kháng chiến, tuy đã có một số đơn vị bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh, song do điều kiện trang bị vũ khí của ta còn thô sơ, lại chưa được huấn luyện bài bản, nên hiệu suất chiến đấu chưa cao.

Để giảm bớt tổn thất do máy bay địch gây ra, các lực lượng phòng không của ta vận dụng phương châm: Lấy chiến trường làm thao trường, lấy thực tế chiến đấu để luyện tập, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, bám sát, yểm trợ đội hình bộ binh chiến đấu, khống chế quyền làm chủ trên không của địch. Ngày 1-4-1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367-Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

Sau gần một năm huấn luyện, củng cố và xây dựng lực lượng, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bước vào cuộc chiến, đương đầu với không quân Pháp giữa lòng chảo Điện Biên. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, ngày 14-3-1954, Đại đội Pháo cao xạ 815 nổ súng, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát Mo-ran, đây là chiếc máy bay địch đầu tiên bị bắn rơi tại Điện Biên.

Sau 55 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bộ đội pháo cao xạ cùng các đơn vị súng máy phòng không 12,7mm bám sát đội hình chiến đấu của chiến dịch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 21-9-1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 34/NĐA thành lập Đại đoàn Pháo cao xạ 367 thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh, đến tháng 3-1958, Đại đoàn Pháo cao xạ 367 được tách ra khỏi Bộ tư lệnh Pháo binh thành lập Bộ tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Bộ tư lệnh Phòng không được biên chế 3 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn radar, Trường huấn luyện và Tiểu đoàn 26 thông tin. Để thống nhất chỉ huy mặt trận trên không, ngày 22-10-1963, theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Đầu tháng 8-1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, gây chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bộ đội pháo cao xạ đã giáng một đòn chí mạng vào “uy thế không lực Hoa Kỳ” bắn rơi 8 máy bay, tên giặc lái Everett Alvarez bị bắt sống tại trận, trở thành nhân chứng đầu tiên cho sự thất bại phiêu lưu mở rộng chiến tranh của Mỹ.

Trong cuộc đối đầu sinh tử với quân thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ thể hiện tinh thần quả cảm, như Chính trị viên đại đội Nguyễn Viết Xuân khi bị thương nặng vẫn hô vang “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, khẩu lệnh của anh trở thành mệnh lệnh chiến đấu cho tất cả các trận địa bảo vệ bầu trời ngày đó.

Bộ đội pháo cao xạ, Quân chủng Phòng không-Không quân thực hành bắn đạn thật tại trường bắn quốc gia. Ảnh: VŨ NGỌC HOÀNG

Năm 1972, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc nước ta. Ban đầu, Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và TP Hải Phòng...

Đến ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi “Linebacker II”. Trong chiến dịch này bộ đội pháo cao xạ đã mưu trí, dũng cảm, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, bố trí các trận địa hỏa lực ở những nơi hiểm yếu, bảo vệ an toàn khu Trung ương, các trận địa tên lửa, sân bay, nhà ga... đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác đánh 1.191 trận, bắn rơi 28 máy bay; trong đó có 3 máy bay B-52, góp phần làm nên Chiến thắng “ Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, bộ đội pháo cao xạ đã có mặt trong đội hình các chiến dịch và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, các lực lượng pháo cao xạ đã bắn rơi 51 máy bay địch. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng tháng 3-1975, lực lượng pháo cao xạ đánh 90 trận, bắn rơi 14 máy bay địch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh các lực lượng pháo phòng không bám sát các mũi tấn công của các binh đoàn chủ lực, hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 43 máy bay địch có 14 chiếc rơi tại chỗ. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng pháo phòng không 3 thứ quân đã bắn rơi gần 3.100 máy bay gồm đủ các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ, chiếm xấp xỉ 75% số máy bay của Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên cả nước.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, trong điều kiện kinh tế đất nước còn có nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao.

Những năm gần đây, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, các đơn vị pháo cao xạ trong toàn quân luôn chủ động, tập trung thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao; trong đó có nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng pháo cao xạ hôm nay mãi mãi tự hào với truyền thống vẻ vang của mình, kế tục xứng đáng các thế hệ cha anh đi trước, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những chiến công, thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và phát triển, Binh chủng Pháo cao xạ (trước kia) và lực lượng pháo cao xạ toàn quân gồm: 19 đơn vị cấp trung, lữ đoàn; 25 đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội và 15 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân.

Trung tướng TRẦN NGỌC QUYẾN, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-dau-qua-cam-giu-vung-cac-tran-dia-bao-ve-bau-troi-722518