Chiêm ngưỡng chuông cổ độc bản hơn 600 tuổi ở Hà Tĩnh

Chuông chùa Rối hơn 600 tuổi ở Hà Tĩnh là bảo vật Quốc gia, đánh dấu sự phát triển cực thịnh của Phật giáo ở Việt Nam thế kỷ XIV.

Chuông chùa Rối đúc cuối thế kỷ XIV, là hiện vật độc bản, do ông Phan Tân phát hiện vào cuối năm 1990 khi đào gốc cây trên nền đất trống tại chùa Rối (nay đã thành phế tích) ở thôn Trường Xuân, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên. Hiện cổ vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Chuông nặng hơn 200 kg, đúc bằng đồng, cao 115 cm, đường kính 65 cm, khối hình trụ tròn, miệng khum thon dần về phía đỉnh. Quanh thân có 6 núm thỉnh hình tròn hoa sen với 13 cánh lớn nhỏ lập úp xen kẽ, phân bổ thành ba cặp đối xứng.

Quai cấu tạo hình con rồng thế khom lưng, mỗi chân rồng có bốn móng kiểu móng đại bàng quắp lấy đỉnh chuông. Miệng chuông có 86 cánh hoa sen lập úp, viền có hai đường gờ nổi với 43 cánh to, 43 cánh nhỏ xen kẽ bao quanh.

Chân rồng trong tư thế khỏe khoắn, bệ vệ.

Điểm nhấn của chuông là 4 câu thơ chữ Hán, miêu tả cảnh sắc hùng vĩ của dãy Hoành Sơn, giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay. "Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn/ Sóng kình dữ dội tung bọt trắng/ Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh/ Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên".

Điều khác biệt của chuông chùa Rối là trên đỉnh có ba đường gân chạy bao quanh với khoảng cách đều nhau tạo thành những đường tròn đồng tâm.

Ở phần miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lập úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẽ nhau bao quanh vành miệng chuông.

Mời quý độc giả xem thêm video: Chú vịt khỏa nước bơi trong tiếng chuông chùa bình an tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện..

Thanh Hà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chiem-nguong-chuong-co-doc-ban-hon-600-tuoi-o-ha-tinh-1956424.html