Chiếc trâm cài tóc khiến người Hàn Quốc và Trung Quốc tranh cãi

Tiếp nối cuộc chiến kim chi, bánh gạo và hanbok, người Hàn Quốc và Trung Quốc lại tranh cãi về chiếc trâm cài bằng bạc hình phượng hoàng.

Jang Won-young (IVE) giới thiệu về chiếc trâm bạc được cài trên mái tóc trong mọt video. Ảnh: Vogue Korea.

Jang Won-young, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc IVE, bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích do “chiếm dụng văn hóa Trung Quốc”, theo TODAY.

Gần đây, Won-young xuất hiện trong một video của Vogue Korea với chủ đề “vlog về chuyến đi đầu tiên tới Paris”. Nữ thần tượng có mặt tại thủ đô nước Pháp để tham dự buổi triển lãm của thương hiệu trang sức Fred có tên Fred Joaillier creáteur depuis 1936.

Trong video, cô đi dạo trên đường phố, thưởng thức món kem gelato và giới thiệu tóm tắt về trang phục của mình tới khán giá. Khi khoe về chiếc trâm hình phượng hoàng trên đầu, cô gái 18 tuổi cho biết cô cài chiếc kẹp tóc này “để thể hiện hình ảnh Hàn Quốc tại Paris”.

Chiếc trâm bạc gây tranh cãi trên mạng xã hội Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: Naschenka.

Lời nói này của Won-young khiến nhiều người Trung Quốc cho rằng cô đang “ăn cắp văn hóa của họ”.

Chiếc trâm cài bằng bạc này đến từ thương hiệu trang sức Naschenka của Hàn Quốc. Trên Instagram, nhãn hàng này mô tả món phụ kiện này là “chiếc trâm cài tóc đại diện cho vẻ đẹp của Hàn Quốc” và nhấn mạnh “đến từ Hàn Quốc”.

Nhiều người Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trên Weibo, cho rằng “phượng hoàng đã là của Trung Quốc từ thời cổ đại” và “cả Jang Won-young và thương hiệu trang sức đều đang ăn cắp văn hóa” của họ, theo thông tin công ty Internet Trung Quốc NetEase chia sẻ với 163.com.

“Nữ thần tượng nên đính chính và xin lỗi”, một tài khoản mạng xã hội bình luận.

“Cuộc chiến văn hóa” thậm chí lan sang cả những nền tảng mạng xã hội khác như Twitter.

Tuy nhiên, một số người bênh vực Won-young rằng cô không đề cập cụ thể đến chi tiết phượng hoàng trên chiếc trâm cài, mà chỉ nói rằng cô mang hình ảnh Hàn Quốc tới Pháp thông qua món phụ kiện ấy. Điều này có thể đồng nghĩa rằng cô ấy muốn diện thương hiệu thời trang Hàn Quốc ở nước ngoài.

Một tài khoản cho biết thiết kế trâm cài hình chim phượng hoàng hoàn toàn có thể được tìm thấy ở các triều đại Hàn Quốc trong lịch sử cổ đại. Người này chứng minh bằng cách chỉ ra họa tiết phượng hoàng được sử dụng trên trang sức, đĩa, đồ gốm, trần nhà của các cung điện cổ Hàn Quốc.

Cuộc chiến kim chi vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: The Strait Times.

Hơn nữa, Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng. Do đó, việc hai nền văn hóa có những nét tương đồng là điều không có gì ngạc nhiên.

Theo Bách khoa toàn thư về văn hóa dân gian Hàn Quốc, phượng hoàng hay bonghwang được sử dụng để trang trí đồ vật, quần áo và các cung điện hoàng gia. Con vật này được coi là biểu tượng của những phụ nữ vương quyền ở Hàn Quốc cổ đại.

Tại Trung Quốc, phượng hoàng cũng tượng trưng cho hoàng hậu, trong khi rồng đại diện cho hoàng đế, China Daily đưa tin.

Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc và Trung Quốc vướng vào một cuộc tranh luận về hành vi được cho là chiếm dụng văn hóa.

Trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh được tổ chức hồi tháng 2, một người phụ nữ đã biểu diễn tại lễ khai mạc trong bộ hanbok, vốn là trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Sự xuất hiện của cô gái đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ phía xứ kim chi.

Bộ hanbok xuất hiện tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh hồi tháng 2. Ảnh: Yonhap.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul đã bảo vệ việc hanbok xuất hiện tại lễ mở màn Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022. Họ mô tả nữ nghệ sĩ là đại diện cho joseonjok, nhóm dân tộc có nguồn gốc từ Hàn Quốc, trong số hơn 50 dân tộc khác ở quốc gia này, theo Guardian.

Bên cạnh đó, cuộc chiến kim chi cũng chưa đến hồi kết. Người dân hai nước vẫn đang tranh luận về nguồn gốc, bản quyền của kim chi.

Tại xứ tỷ dân, món này được gọi là Pao cai, được làm bằng bắp cải, thân cây mù tạt, đậu dài, ớt, cà rốt và gừng. Món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong ẩm thực Tứ Xuyên. Do đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng kim chi có nguồn gốc từ quốc gia họ.

Người dùng mạng xã hội Hàn Quốc đáp trả rằng kim chi có nguồn gốc từ nước này, đưa ra các bằng chứng lịch sử và nói thêm rằng kim chi Hàn Quốc chính thức được Codex thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc chỉ định là tiêu chuẩn toàn cầu năm 2001.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-tram-cai-toc-khien-nguoi-han-quoc-va-trung-quoc-tranh-cai-post1368172.html