Chiếc Radio đem ước mơ tôi bay qua thung núi

Chiếc Radio của bố giúp tôi biết, ngoài kia có một thế giới rộng lớn với vô vàn điều thú vị, tươi đẹp… và cuộc sống của tôi không còn bị tù túng, bó hẹp trong thung núi, chỉ biết làm nương, lấy chồng, sinh con

Thơ bé ấy, nếu không có chiếc Radio của bố, để ngày ngày nghe chương trình Đài tiếng nói Việt Nam, có lẽ ước mơ và cuộc đời tôi cũng được vo tròn và lăn quanh cái thung núi, bản Mường nhỏ bé của mình, như bao người con gái nơi đây. Họ chỉ biết ước, lớn lên giỏi việc nương việc đồi, lấy được người chồng nhà có ruộng dài, rẫy rộng, đẻ được con đàn cháu đống. Mong đôi chân cứng như gốc lim để leo núi, trèo thung. Mong mình khỏe như con trâu dưới gầm sàn để làm việc từ sáng tới khuya mà không bị mệt.

Chiếc đài Radio của bố đã đem ước mơ tôi bay ra khỏi thung núi ấy. Giúp tôi biết, ngoài kia có một thế giới rộng lớn với vô vàn điều thú vị, tươi đẹp, có những cuộc sống văn minh, tiến bộ, giàu đẹp hơn. Và bản thân tôi có thể làm được nhiều thứ hơn là chỉ biết làm nương, lấy chồng, sinh con. Đó là động lực để tôi học tập, nỗ lực bay xa và để hôm nay tôi đã có được những điều tôi ước mơ ngày ấy.

Hình minh họa

Tôi là một đứa con gái dân tộc Mường sinh ra ở vùng miền núi Ngọc Lặc, xứ Thanh. Khi lớn lên tôi đã thấy trong nhà mình có một chiếc đài Radio hiệu VEF. Thứ vật dụng lạ lẫm mà người bản tôi thường nói: Chỉ nhà giàu hay người Kinh dưới phố huyện mới có. Mà nhà tôi hồi đó nghèo rơ nghèo rạc chứ đâu phải giàu có. Nghèo đến không có nổi một căn nhà sàn để ở như bao người trong bản. Gia tài bố mẹ tôi được ông bà nội chia cho khi cưới nhau chỉ là một căn chòi nương, ở xa bản, sát chân núi Tày Vày. Vậy mà nhà tôi lại có một chiếc đài radio xa xỉ như thế thì quả khó hiểu với tôi lắm.

Sau này lớn hơn tôi mới được nghe bố kể lại rằng, bố đã phải đi làm thuê, vào thung xẻ từng tấm ván gỗ, ì ạch vác chảy máu vai, còng khụy lưng, đem tận phố huyện bán kiếm tiền, mua cho kì được chiếc đài nho nhỏ ấy chỉ vì mê mẩn chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Có sự ham muốn quyết liệt như vậy bởi bố vốn là một người lính xuất ngũ, từng được đi đây đó, được nghe đài nhiều. Bố biết rằng, cái vật nho nhỏ phát ra tiếng người nói ấy có thể đem đến cho bố một thế giới rộng lớn, kỳ diệu với vô vàn niềm vui, kiến thức hay và những thông tin hữu ích mà không thể nào tìm được quanh góc núi Mường mình.

Vào quãng năm những 1983-1984 gì đó, khi nghe tin có “Giải bóng đá của các nước Xã Hôi Chủ Nghĩa”, tường thuật trên sóng phát thanh là đỉnh điểm của sự thôi thúc, khát khao khiến bố bất chấp mọi khó khăn, mua kì được chiếc đài VEF của Liên Xô. Cầm số tiền dành dụm được bấy lâu, bố đi bộ xuống tận phố huyện dò hỏi nhiều ngày, mong tìm được mua được một cái đài cũ. Rồi cũng có người chịu bán lại cho bố một cái đài với giá rẻ nhất có thể. Thế nhưng, số tiền bố cầm trong tay vẫn không đủ mua. Bố trở về bản, chạy đến nhà ông Chủ nhiệm Hợp tác xã, vốn là bạn vong niên với ông nội để nài xin được vay số tiền còn thiếu.

Bố kể, sau đó vì để trả món nợ mua chiếc đài bố đã phải đi xẻ gỗ bán. Bố đem gạo, đem nồi cùng bạn vào thung ở hang nhiều ngày để kiếm cây, xẻ gỗ. Khi các công đoạn xẻ đã xong, chỉ còn khâu vận chuyển ra khỏi thung thì người bạn của bố bị thương ở tay ,do lúc chặt cây bất cẩn, nên phải xuống núi trước để băng bó vết thương, hứa sẽ sớm trở lại. Bố vừa đợi bạn vừa một mình vận chuyển số ván nhích nhắc từng đoạn. Đồ ăn đã hết, bạn vẫn bặt tăm mà bố không dám bỏ về, vì thung xa bỏ ván lại sợ bị mất trộm, nên bố đã gần như nhịn đói đợi thêm mấy ngày. Chỉ tranh thủ kiếm được vài thứ củ, quả rừng ăn tạm cầm hơi, rồi lại vội vã khuân vác để mong về nhanh nhất có thể. Đận đó mưa nhiều, dốc đất và đá trơn. Lúc vác gỗ chuyển ra khỏi thung thì chân run, sức kiệt, đá trơn khiến bố trượt chân ngã, bị thương nặng lắm. May có người cùng bản nhìn thấy, đưa bố về. Nhiều ngày sau người bạn đến thăm bố, nói số ván xẻ của hai người đã bị người ta lấy hết. Vài tháng sau bố hồi phục, lại rủ bạn trèo vào thung xa hơn, tiếp tục công việc đầy nhọc nhằn và nguy hiểm ấy để kiếm tiền trả nợ.

***

Lúc nhỏ tôi cũng chưa hiểu nhiều lắm về cái hay, cái thú vị, bổ ích nghe được từ chiếc đài đem lại. Chỉ thấy thích thú vì nhà mình trưa, tối thường đông người đến chơi, nghe đài. Đặc biệt vui nhộn vào các tối thứ bảy, chủ nhật khi có những chương trình hấp dẫn như: Tiếng thơ, Kể chuyện cảnh giác, Sân khấu truyền thanh… Chập tối đã thấp thoáng những ánh đuốc sáng từ phía đầu dốc, đầu ngõ, tiếng cười nói lao xao, tiếng trẻ con ríu rít đến nhà tôi như đi hội. Căn chòi nương nho nhỏ cuối chân núi không khi nào đủ chỗ. Bố làm thêm hai cái sạp tre, đóng mấy cái ghế dài kê ra sân tiếp khách.

Đi làm nương bố hay đem theo chiếc đài, mở vang lưng núi cho bà con cùng nghe. Lúc bấy giờ Radio chỉ có 2 kênh, tôi thấy bố hay gọi là Hệ 1, Hệ 2, với các chương trình ấn tượng như: Dân ca và nhạc cổ truyền, Khắp nơi đàn và hát dân ca, Ca nhạc gửi tặng các chiến sĩ ngoài đảo xa, Bài ca đi cùng năm tháng, Quân đội nhân dân, Tìm hiểu các dân tộc Việt Nam,…. Dầu câu rõ câu nhòe nhưng cái cảm giác có những âm thanh của chiếc đài vang vang trên nương rẫy, là giọng nói dịu êm, thân thương của các phát thanh viên, là giai điệu du dương, êm ái hay rộn ràng của những bản nhạc, là giọng hát ngọt ngào, ngân nga của các nghệ sĩ, là những câu chuyện hay, thông tin thú vị … cũng làm mọi người nao nức, thích thú. Núi rừng cứ thế vui nhộn hơn, rạng rỡ hơn mà như bớt đi nhọc nhằn.

Nghe đài lâu, quen các nhạc hiệu chương trình theo mốc giờ, đài trở thành chiếc đồng hồ giúp bố mẹ và bà con biết giờ giấc để định liệu công việc hằng ngày chuẩn hơn, đỡ lỡ công nọ việc kia. Bớt phải để bụng mình đói quặn, chân mình run xiêu khi quá bữa, muộn giờ về.

Chiếc đài giúp bố tôi, một người chỉ học dở lớp 3 trở thành người đàn ông thông thái, giỏi giang, hiểu biết nhất bản. Bố nói chuyện văn học, lịch sử, chuyện thời sự đất nước, chuyện bóng đá, chuyện âm nhạc, thông tin quốc tế, chuyện nông nghiệp và kể chuyện…. hay lắm, toàn những điều ở Mường chẳng mấy ai biết, mà có biết cũng chẳng được nhiều như bố. Nên ở bản bố được quý trọng, có việc nọ, công kia người ta hay đến hỏi, nhờ bố giúp, chỉ dẫn…Căn chòi nương cuối núi bỗng trở thành trung tâm, đêm đêm đông vui khách khứa.

Đài cũng giúp bố từ một người yêu ca hát ngày càng trở nên giỏi văn nghệ hơn. Vào các dịp lễ hội của bản, bố là người chủ trì tập tành đàn hát, đạo diễn cho đội văn nghệ. Văn bố cũng tốt lên khác lạ, việc gì cần đến viết lách, chữ nghĩa, giấy tờ bố cũng được người làng nhờ cậy. Bố lấy thế làm vui, làm tự hào và bởi thế bố càng “si mê’ chiếc đài radio của mình.

***

Lâu dần tôi cũng mê đài giống bố. Tất thảy các chương trình tôi đều nghe say sưa. Mỗi khi đi học về đến nhà mà chưa thấy bố mở đài là tôi lại xin xỏ bật nó lên. Tôi thích mân mê cái đài, tự mình kéo cần ăng ten, vặn nút dò sóng, chọn chương trình yêu thích. Nhà tôi sát chân núi Tày Vày cao ngất, nên sóng đài chập chờn, luôn phải kéo cái ăng ten lúc cao lúc thấp, lúc nghiêng bên nọ, rạp bên kia để làm sao cho âm thanh rõ nhất.

Dần dà bản tôi thêm đôi ba nhà lần lượt mua đài Radio. Chiếc đài nhỏ bé tự bao giờ đã trở thành người bạn của gia đình tôi, của bà con bản tôi thời bấy giờ, giúp cho đời sống tinh thần của bà con được vui rộn, phong phú hơn. Bà con hiểu biết hơn về nhiều lĩnh vực, giúp cuộc sống dần trở nên tiến bộ, tươi sáng.

Tôi vốn dĩ mang trong mình dòng máu có chút nghệ sĩ như bố nên sau khoảng thời gian mê các chương tình phát thanh tôi cũng học được nhiều thứ. Tôi biết hát chèo, quan họ, cải lương, diễn tuồng, hát các bài nhạc đỏ, nhạc quê hương... Từ rất nhỏ tôi đã trở thành cây văn nghệ cứng của làng.

Mọi người khen tôi hát hay và thích nghe tôi hát. Họ còn hay nói với mẹ tôi rằng: ‘Sau này lớn lên nó sẽ đi làm văn công, hát như trên đài cho mà xem”. Nghe vậy mà trong tôi nhen lên bao ước mơ lạ, ước được đi xa đâu đó tận thành phố, tận Hà Nội để học, để hát, để làm những công việc như mình từng biết trên đài.

Mường tôi nghèo, suốt 12 năm đi học tôi không được đọc bất kỳ một cuốn sách hay cuốn truyện nào, ngoài những thứ có trong sách giáo khoa. Các chương trình trên đài phát thanh, đặc biệt các chương trình như: Văn nghệ thiếu nhi, Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Sân khấu, văn nghệ quân đội… như ươm vào tôi những nụ mầm tâm hồn đẹp đẽ, bay bổng và nhiều xúc cảm. Đã gieo vào tôi vốn từ thật hay, thật mới lạ để trở thành cô bé học giỏi văn, khiến tôi dám ước mơ, lớn lên mình sẽ làm nhà văn, nhà thơ như người ta hay nhắc trên đài.

Bố luôn nhắc tôi, không được bỏ học sớm để lấy chồng, sẽ khổ như các chị các bạn ở bản, muốn đi xa phải học đến cùng. Và thế là trong tôi có những mục tiêu, hoài bão thầm kín mà mãnh liệt được nuôi dưỡng.

***

Một năm vào quãng cuối thập niên 80, sau lần nghe chương trình Dự báo thời tiết trên đài, bố tôi đã vội vã lên đồi chặt bao nhiêu là tre già về gia cố căn nhà chòi của mình. Bố nói, đài báo sắp có bão to lắm. Nhìn căn nhà chòi liêu xiêu được chống, giằng xung quanh cơ man là tre, luồng, bố tôi bảo: Cái nhà chòi này không biết có trụ nổi trận bão này không. Tối hôm đó, nghe bản tin về bão một lần nữa, bố quyết định đem cả nhà đi khỏi chân núi Tày Vày, vào bản trú trong căn nhà sàn vững chãi của ông bà nội. Bão tan, nhà tôi vội vã trở về chân núi. Mẹ òa khóc khi thấy căn nhà chòi đã sụp đổ, mái lá tán tác. Bố lặng đi hồi lâu, rồi vuốt tóc mẹ an ủi:

“Mình sẽ làm nhà mới. May mà nghe đài báo, biết trước bão lớn để đi tránh không thì chẳng biết bây giờ cả nhà ra sao ?”

Mẹ tôi nguôi hơn. Tôi nhìn vào chiếc đài bố ôm chặt trên tay và thầm biết ơn vật vô tri ấy như ân nhân đã cứu sống gia đình mình.

Bố nhờ người đến dựng lại cái chòi để ở tạm và bắt đầu lên kế hoạch làm nhà mới với hai bàn tay trắng. Nỗi lo làm nhà chẳng biết lớn đến chừng nào, chỉ biết bố mẹ bàn tính nhiều đêm, thức trắng nhiều đêm, ai cũng rộc gầy như con kì nhông.

Bố mẹ chạy vạy khắp anh em, làng bản vay lúa, vay gạo, vay cơm, vay thịt, cá… về làm cơm mượn trai tráng vào thung thung xẻ gỗ, lên đồi tìm xoan, chặt tre, tỉa lá cọ. Bố mẹ đi vay tiền khắp nơi, rồi ra huyện tìm thuê thợ làm nhà. Gỗ kiếm chưa kịp đủ thì lần nọ bố nghe chương trình Nhà nước và pháp luật được biết, việc chặt cây lấy gỗ là phá rừng, là phạm pháp. Thông tin Kiểm lâm sẽ xiết chặt quản lý và có biện pháp mạnh khiến bố tôi sợ và dừng việc vào thung lấy gỗ. Thiếu gỗ dựng cột, bố bảo với mẹ phải mua thêm xoan to, mà mua thì tiền đâu ra. Nhà chẳng còn gì bán được.

Mẹ ngập ngừng nhắc đến cái đài VEF, mặt bố đỏ bừng lên thoáng chốc rồi thẫn thờ im lặng. Nhiều ngày như thế, tôi thấy bố lặng lẽ như hòn đá trên đồi. Chiếc đài bình thường bố tính toán giờ có chương trình hay mới mở để tiết kiệm pin. Bỗng những ngày đó bố mở cho nó nói ra rả nói suốt ngày đêm, nghe như để no, cho thỏa, nghe để vớt vát lấy phần mà dồn vào cho chật lòng thương nhớ. Bố nghe như thể tiếc nuối đến thắt ruột, nghe như thể bịn rịn không muốn rời ra, nghe như thể bố sẽ không còn bao giờ được nghe lại nó nữa. Bố cứ ôm lấy cái đài rỡ rẫm, ánh mắt xa xăm như có sương núi phủ đầy.

Rồi một hôm, tôi thấy bố dậy sớm, cuốn chiếc đài trong cái khăn thổ cẩm của mẹ, bịn rịn hồi lâu, bố bước đi về phía con dốc dẫn lối ra phố huyện. Tôi khóc òa lên chạy theo bố kêu to, van nài: “Bố ơi, bố đừng bán đài, bố để cho con học hát, bố để cho con nghe truyện…” nhưng bố tôi không ngoái lại, chân bước nhanh hơn như để chạy trốn tiếng khóc của tôi..

***

Nhiều năm sau, chừng vào những năm đầu thập niên 90, làm nhà xong kinh tế nhà tôi bỗng trở nên khá hơn. Không biết có phải nhờ nghe đài nhiều, tiếp thu nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, đầu óc lanh lợi hơn, hiểu biết tốt hơn mà bố mẹ tôi biết làm ăn hơn trước. Ví như trước đây Mường tôi đất đai chỉ biết gieo hạt, trồng ngô sắn, cấy lúa đợi vụ thu về ăn, mùa mất được tùy cả vào trời. Nhưng nhà tôi đã biết dành phần đất để trồng rau củ theo mùa, đem bán, có tiền vào tiền ra. Bố biết cách làm đất tơi xốp phì nhiêu, biết ủ phân bón, biết đi mua phân hóa học dưới phố huyện về chăm cây, mạnh dạn trồng những cây nông nghiệp mới, bố biết chọn giống, chăm cây theo vụ và thời tiết cho năng suất cao, bớt được thất bát, mất mùa.

Kinh tế ổn định lại, trả xong nợ nần làm nhà, thứ bố mua sắm đầu tiên là chiếc đài cat-sec cũ của Nhật. Có đài mới, bố con tôi lại say sưa với các chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Bao nhớ thương, ao ước như thỏa, tôi hân hoan, bố rạng rỡ. Cả ngày tiếng đài vang lên rộn rã khắp chân núi. Đặc biệt, chiếc đài mới này bắt được cả sóng FM, tôi và bố đều mê mẩn. Một kênh thú vị với nhiều chương trình văn hóa, giải trí hấp dẫn, làm mê hoặc đứa con gái đang vào tuổi mơ mộng như tôi, nhất là chương trình: Cửa sổ tình yêu, Nghe nhạch hiệu đoán chương trình, Ca nhạc theo thư yêu cầu để gửi tặng cho một người bạn…

Mỗi khi có chương trình ca nhạc trữ tình, quê hương, hay nhạc quốc tế bốc lửa như “Modern Talking” là bố con tôi mở to đến vang núi, khiến cả một vùng quanh đó đều nghe được những giai âm tưng bừng, rộn ràng, như thể nhà có đám cưới, đám vía.

***

Tôi trưởng thành, dần thực hiện được những ước mơ thật lớn lao của mình hồi thơ ấu, đã được nhen nhóm từ chiếc đài Radio: Tôi biết làm thơ, viết truyện đăng báo. Thi thoảng được đi biểu diễn, thi hát cho trường, cho cơ quan. Từng có quãng ngắn thời gian làm phát thanh viên đài huyện. Từng được giải cuộc thi giọng đọc phát thanh địa phương. Và bây giờ, tôi được sống, làm việc ở Thủ đô Hà Nội như từng mơ ước.

Tôi luôn nghiệm nghĩ rằng, những gì tôi có bây giờ, một phần lớn là nhờ có Chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam mà tôi được nghe, được học, được thắp lên ước mơ ngày ấy. Bây giờ, mỗi khi mở đài tôi lại hình dung thấy căn chòi nương xưa cũ và như còn nghe vang ngân khắp chân núi Tày Vày tiếng nói thân thương: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam… “ lòng tôi dâng lên niềm xúc động với một sự biết ơn và trân trọng lớn lao./.

MS WRD 750

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/chiec-radio-dem-uoc-mo-toi-bay-qua-thung-nui-post1072229.vov