Chiếc kèn môi trong văn hóa của người Mông hoa

Dân tộc Mông không chỉ nổi tiếng với những bộ trang phục độc đáo, rực rỡ khoe sắc như bông hoa tô điểm giữa núi rừng mà còn khác biệt với nhiều dân tộc về đa dạng các loại nhạc cụ truyền thống như: khèn, sáo, kèn lá và độc đáo hơn cả là chiếc kèn môi (tù ghê).

Đối với nhiều nhóm dân tộc Mông khác, chiếc kèn môi được người con trai sử dụng chủ yếu để giao duyên, bày tỏ tình cảm, yêu đương, thương nhớ. Riêng đối với người Mông hoa (Mông lềnh) sinh sống chủ yếu ở xóm Cao Sơn, xã Dân Chủ (Hòa An), chiếc kèn môi còn là nhạc cụ tâm tình, kể chuyện, tự sự giữa đêm.

Nếu như khèn là loại nhạc cụ thổi chủ yếu trong các nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, thì sáo hay đàn môi lại là những loại nhạc cụ được người Mông hoa sử dụng chủ yếu vào ban đêm. Lời ca, câu chữ, tiếng nhạc được người Mông hoa cất lên như để tâm tình, kể chuyện, bày tỏ nỗi lòng giấu kín không thể sẻ chia với ai. Đôi lúc là chuyện tình cảm, đôi lúc lại là nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết.

Chị Dương Thị Mị, dân tộc Mông hoa, xóm Cao Sơn, xã Dân Chủ (Hòa An) bên chiếc kèn môi.

Kèn môi hay còn được gọi là đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo, có từ lâu đời của người dân tộc Mông. Kèn môi là nhạc khí tự âm vang, được làm từ một mảnh đồng mỏng, có hình dáng giống lá lúa, một đầu cuống để cầm trên tay, đầu còn lại vát nhọn để gảy. Ở chính giữa, người ta tạo một cái lưỡi gà, lúc gảy, lưỡi gà sẽ rung lên, khi ấy khoang miệng chính là bầu cộng hưởng âm thanh phát ra tiếng to, nhỏ, trầm, bổng, luyến láy… Loại nhạc cụ này nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác thì lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi người làm phải kỳ công, tỉ mỉ, có kiến thức am hiểu về nhạc cụ âm nhạc, văn hóa của người dân tộc Mông.

Kèn môi gồm có 3 phần chính, gồm lưỡi đồng nhỏ, ống tre và lưỡi gà bằng đồng. Các bộ phận của kèn môi được nối với nhau bằng nhiều sợi chỉ rực rỡ, được bện lại thành một sợi dây chắc chắn.

Trong cấu tạo của kèn môi, miếng đồng chính là phần chính của chiếc kèn. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, tán mỏng, dài khoảng 7 cm. Miếng đồng sau khi tán nhỏ được chia thành 2 phần, có đường rãnh phân định, phần giữa lá đồng là nơi đặt lưỡi gà nên phải được làm tỉ mỉ, cẩn thận. Phần giữa được chế tạo thật mỏng, đều, độ mỏng vừa đủ, không quá dày khiến âm thanh phát ra không chuẩn, trong và không mỏng quá sẽ khiến kèn dễ gãy.

Tiếp đó là lưỡi gà, lưỡi gà được gắn trên miếng đồng là bộ phận quan trọng nhất của chiếc kèn môi, âm sắc có đạt chuẩn hay không là dựa vào độ đàn hồi của lưỡi gà. Lưỡi gà hay thanh đồng nhỏ, dài khoảng 5 cm, trông hình dáng giống với chiếc kim khâu lớn, được căn chỉnh từng cm cắt sao cho thật khít với miếng đồng, nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh. Khi ghép lưỡi gà vào miếng đồng, chiếc kèn môi sẽ có hình dáng trông giống chiếc kim băng.

Phần còn lại của chiếc kèn môi chính là ống trúc (hoặc ống tre, nứa…). Ống trúc này dài hơn chiếc kèn từ 1 - 2 cm, nhỏ gọn, một đầu ống lớn, đựng vừa đủ chiếc kèn, đầu còn lại thon nhỏ, vừa đủ để luồn sợi dây qua. Ống trúc và phần cuối miếng đồng được kết nối với nhau bởi nhiều sợi chỉ màu sắc bện thành một sợi dây dài. Khi sử dụng, người thổi kèn sẽ rút chiếc kèn ra khỏi ống trúc, khi không dùng tới sẽ dùng sợi chỉ kết nối, kéo chiếc kèn vào trong ống trúc để bảo quản. Thân ngoài ống trúc thường được trang trí các hoa văn tinh xảo, chạm khắc hoặc được bọc bởi một miếng vải thêu hoa văn nổi. Hoa văn trên thân ống thường là các hình tam giác, chữ nhật, họa tiết chiếc lá, con vật… biểu trưng cho núi, cây cỏ và các con vật trong đời sống thường ngày của người Mông. Giống như chiếc hộp bảo quản trang sức, ống trúc có công dụng bảo quản, cất giữ chiếc kèn.

Để thổi kèn môi, người chơi phải giữ gốc kèn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách môi một khoảng đủ không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải gảy vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Muốn thổi được đàn môi nhất thiết người thổi đàn môi phải biết giữ hơi, lúc này trong cổ họng phát ra các nguyên âm a, e, i, o, u… theo từng giai điệu, lời hát. Bí quyết để có thể chơi được đàn môi đó là phải biết cách giữ hơi trong lồng ngực để thể tích không khí lọt ra ngoài không quá lớn, nhờ đó, cột hơi được giữ vững, âm thanh phát ra sẽ có những cao độ khác nhau, tạo nên những âm điệu đặc trưng của đàn môi.

Tiết mục hát dân ca Mông bằng chiếc kèn môi của huyện Hòa An trong Hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc tỉnh năm 2023.

Bà Dương Thị Mị, dân tộc Mông hoa, xóm Cao Sơn, xã Dân Chủ (Hòa An) chia sẻ: Tôi tập chơi kèn môi từ năm 12 tuổi đến nay cũng gần 40 năm, đàn môi là loại nhạc cụ khó, không giống với kèn lá hay sáo, cách giữ hơi để thổi là vô cùng quan trọng. Giữ hơi không như mình nói chuyện, phải biết hít thở đều, lấy hơi vừa đủ. Phải có thời gian tập luyện lâu dài thì mới biết thổi kèn theo từng giai điệu.

Thổi kèn là một chuyện, phân biệt thanh âm của kèn lại còn khó hơn. Âm điệu âm thanh tỏ tình khác âm điệu âm thanh tự sự, giãi bày. Thổi kèn tỏ tình thì không thể thổi quá to, cũng không thể thổi quá nhỏ, âm thanh phải vừa đủ để chỉ cả hai cùng nghe thấy, bởi vì kèn môi thường sử dụng vào ban đêm nên âm thanh sẽ rất vang xa. Còn thổi kèn tâm tình, tự sự thì âm thanh phải to, rõ ràng, khi thổi vang xa để nhiều người cùng nghe thấy, cùng đồng cảm và sẽ cùng nhau thổi kèn để hòa vang.

Kèn môi của người Mông đặc biệt bởi thường chỉ được sử dụng vào ban đêm, giữa không gian núi rừng hùng vĩ, những lời thủ thỉ, tâm tình, tự sự, giãi bày ngân lên, vang xa như một buổi hòa nhạc lớn mà sân khấu trình diễn là đầu hồi, trên mỏm đá trước nhà… Còn người thổi kèn chính là người nghệ sĩ đang kể câu chuyện, nỗi lòng của mình.

Nhạc cụ dân tộc Mông tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Giữa sự đổi thay của xã hội, công nghệ cũng đang dần len lỏi vào từng bản làng, sự thay đổi thói quen sinh hoạt, nếp sống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thay đổi tư duy văn hóa của người Mông. Kèn môi hay các loại nhạc cụ ít nhiều bị ảnh hưởng và dần mất vị thế sử dụng trong đời sống. Nhưng dù xã hội có phát triển đến đâu, tinh hoa văn hóa của dân tộc vẫn là nguồn cội, là sợi dây gắn kết mỗi người.

Dù không còn phổ biến như trước nhưng đâu đó giữa núi rừng, tiếng kèn môi vẫn vang lên mỗi đêm như để chứng minh sự tồn tại bền vững của văn hóa dân tộc Mông qua nhiều thế hệ.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chiec-ken-moi-trong-van-hoa-cua-nguoi-mong-hoa-3166690.html