'Chìa khóa vàng' cho sự phát triển bền vững

Xác định chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), coi đây là 'chìa khóa vàng' để mở ra cánh cửa phát triển bền vững.

Tuyên truyền công tác dân số ở khu Bồ Xồ, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn.

Chuyển biến trong công tác dân số

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội và sự hưởng ứng của người dân trong tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách về dân số. Nhờ đó, nhận thức, hành động... của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt; việc xây dựng mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được người dân đồng tình hưởng ứng với nhiều mô hình hiệu quả. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số cơ sở được củng cố, kiện toàn, 13/13 đơn vị cấp huyện đã tham mưu, ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển; công tác truyền thông chuyển đổi hành vi được tăng cường, công tác tiếp thị xã hội, xã hội hóa được đẩy mạnh, triển khai rộng rãi. Các chỉ tiêu chủ yếu về dân số và phát triển đạt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ.

Chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó chất lượng dân số được coi là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước. Bác sĩ chuyên khoa II Lương Duy Đông- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa cho biết: “Công tác dân số và phát triển trên địa bàn huyện luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự chỉ đạo sát sao về công tác chuyên môn của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đơn vị trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên dân số từ huyện đến cơ sở tích cực triển khai công tác truyền thông, vận động giáo dục về dân số và phát triển, đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.

Năm 2023, tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 100,1% kế hoạch năm (tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2022). Số bà mẹ mang thai được tầm soát 22.149 trường hợp, đạt 99,6% (kế hoạch 90%); số trẻ em mới sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) 12.589 trường hợp, đạt 66,3% (kế hoạch 66%). Toàn tỉnh có 708/3.114 khu dân cư đạt thành tích không có người sinh con thứ ba trở lên.

Nhiều chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số năm 2023, của huyện Hạ Hòa đã đạt và vượt như: Tỉ lệ đặt vòng tránh thai đạt 101%, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 100% so kế hoạch năm. Qua đánh giá bộ tiêu chí về công tác dân số và phát triển trên địa bàn huyện đạt loại xuất sắc. Liên tục trong ba năm liền (2020, 2021, 2022) được Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ tặng Giấy khen tập thể lao động tiên tiến, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa tặng Giấy khen tập thể lao động tiên tiến, năm 2022 được Giám đốc Sở Y tế tặng Giấy khen tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ.

Cũng là một trong các đơn vị đã làm tốt công tác dân số và phát triển, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Bá Kỳ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển huyện Tam Nông thông tin: Năm 2023, công tác dân số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, toàn huyện đã duy trì được tỉ lệ tăng dân số ở mức dưới 01%, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước 17,6%, tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 79%. Năm 2023, tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 100%, tỉ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh đạt trên 80%. Những kết quả này đã góp phần duy trì quy mô dân số hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Huyện Tam Nông chú trọng tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số trong trường học.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) với Chủ đề: “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”, theo đồng chí Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị triển khai đồng loạt nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Đặc biệt, lựa chọn các hình thức truyền thông thiết thực cùng với lồng ghép hiệu quả các hoạt động truyền thông thường xuyên, trong đó đặc biệt chú trọng các nội dung về nâng cao chất lượng dân số.

Trong tháng hành động, đặc biệt chú trọng đến các nội dung về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước. Tuyên truyền, vận động thanh niên trước khi kết hôn nên tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Chi cục tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, từ đó giúp phát hiện, điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau...

Trong triển khai các gói truyền thông và tư vấn, dịch vụ, Chi cục còn triển khai cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để nam/nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết, phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc thai kỳ tốt để sinh con khỏe mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo vị thành niên, thanh niên, công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản -KHHGĐ, góp phần giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc...

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về những thuận lợi, khó khăn, thách thức và phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân số trong thời gian tới; trao đổi, nêu lên ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách đối với công tác dân số; ý kiến của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện chính sách dân số của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu về nhận thức chung- Công tác DS-KHHGĐ nếu được làm tốt sẽ là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nâng cao chất lượng dân số để từ đó tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, việc nâng cao chất lượng dân số còn là trách nhiệm không nhỏ của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/chia-khoa-vang-cho-su-phat-trien-ben-vung/204442.htm