Chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng, người già gặp khó

Chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng là hoạt động tất yếu phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc áp dụng với người cao tuổi đang có bất cập.

Chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng là hoạt động tất yếu phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc áp dụng với người cao tuổi đang có bất cập.

Nhiều người cao tuổi xã Đồng Quang (Gia Lộc) vẫn muốn nhận trợ cấp trực tiếp do chưa quen dùng thẻ và gặp trở ngại khi thanh toán hay rút tiền

Hải Dương triển khai chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng cho những người được hưởng chính sách an sinh xã hội từ tháng 4 năm nay. Cách làm này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số nhưng thực tế nhiều địa phương lại đang gặp không ít khó khăn và cần sự linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Còn ít người dùng thẻ

Mới sáng sớm nhưng điểm chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội tại Bưu điện xã Đồng Quang (Gia Lộc) đã khá đông người xếp hàng chờ đến lượt được nhận tiền. Chờ đợi vất vả nhưng khi được hỏi vì sao không nhận qua tài khoản ngân hàng thì bà Nguyễn Thị H. ở thôn Đôn Thư cho biết nhận tiền qua tài khoản ngân hàng phù hợp với người trẻ hơn. Người già ít dùng điện thoại thông minh. Nếu có dùng thì cũng lóng ngóng, không biết kiểm tra số dư trong tài khoản thế nào. “Vì không quen dùng thẻ ngân hàng, điểm rút tiền lại quá xa nhà, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân nên mới có chuyện gần đây ông cụ cùng xóm tôi bị cháu ham chơi rút hết tiền trong tài khoản”, bà H. kể.

Thực tế hiện nay điểm rút tiền của các ngân hàng trong tỉnh còn chưa bao phủ rộng khắp, chủ yếu ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Những người đang hưởng chính sách an sinh xã hội của tỉnh phần lớn tuổi cao, sức yếu, người khuyết tật sống ở nông thôn nên nếu phải đi một quãng đường xa để rút tiền trợ cấp thì không dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Lân, bệnh binh ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) bày tỏ: “Tôi ủng hộ chủ trương chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng nhưng cần lộ trình cụ thể và đồng bộ các hình thức thanh toán. Tôi ra chợ mua mớ rau, con cá thì vẫn phải dùng tiền mặt, họ không nhận thanh toán thẻ”.

Chi trả trợ cấp qua thẻ ngân hàng nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm thời gian cho người hưởng. Đây là hình thức phù hợp với chủ trương hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Cơ quan chi trả giảm được chi phí vận hành đội ngũ trả lương trực tiếp, góp phần chống lãng phí và nâng cao tính minh bạch trong thực hiện chính sách. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã khiến kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt cho những người hưởng chính sách an sinh xã hội trong tỉnh gặp trở ngại. Ngay tại TP Hải Dương, số điểm rút tiền, các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn hẳn các địa phương khác nhưng số người đăng ký nhận trợ cấp qua thẻ ngân hàng cũng rất ít, chỉ được hơn 100 người trong tổng số hơn 10.000 người đang thụ hưởng trợ cấp hằng tháng.

Phân loại để có lộ trình

TP Chí Linh khá rốt ráo, tích cực trong triển khai chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Đến nay, Chí Linh đã có 14 trong tổng số 19 xã, phường thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công qua tài khoản ngân hàng.

Anh Nguyễn Văn Khuyến, công chức văn hóa - xã hội của phường Văn An chia sẻ kinh nghiệm: “Nhờ triển khai sớm, vận động thường xuyên qua hệ thống đài truyền thanh, cán bộ các đoàn thể đến từng nhà giải thích cho người dân hiểu và nắm rõ chủ trương, lợi ích nếu nhận trợ cấp qua tài khoản nên nhiều người đã ủng hộ". Dù thuận lợi khi vận động người dân làm thẻ và đăng ký nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng nhưng anh Khuyến vẫn mong muốn tỉnh có lộ trình và quan tâm đầu tư đồng bộ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. "Khi đã vận động được người dân làm thẻ nhưng lại không thuận tiện sử dụng thì rất lãng phí", anh Khuyến nói.

Khi hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa được đồng bộ tại các địa phương thì cần có lộ trình chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản phù hợp (ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hiện nay, hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa được đồng bộ tại các địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn thì cũng cần tính đến lộ trình thực hiện. Có thể thực hiện thí điểm tại một số địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi. Bên cạnh đó cũng cần tính tới yếu tố tuổi tác, khả năng đi lại và sử dụng tiện ích thẻ ngân hàng để cân nhắc chi trả cho từng đối tượng phù hợp. “Chẳng hạn như những người tuổi quá cao, người khuyết tật nặng khó khăn đi lại và sử dụng thẻ hoặc không có người ủy quyền nhận tiền trợ cấp có thể chi trả theo hình thức cũ. Còn những người đủ khả năng thì nên khuyến khích, vận động họ nhận tiền qua thẻ ngân hàng”, anh Phạm Phú Cách, công chức văn hóa - xã hội của xã Cổ Bì (Bình Giang) đề xuất.

Hải Dương có khoảng 37.000 người có công và khoảng 80.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra còn có gần 2.000 người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Để tăng cường quản lý và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708).

Thực hiện đề án này, năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm chương trình chi trả trợ cấp xã hội qua thẻ ngân hàng tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh. Năm 2020, tiếp tục mở rộng tại 4 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Phúc. Sau đó triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Hải Dương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ tháng 3 và yêu cầu các địa phương triển khai từ tháng 4.2023.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/chi-tra-tro-cap-xa-hoi-qua-tai-khoan-ngan-hang-nguoi-gia-gap-kho-241866