Chi tiêu quân sự toàn cầu lần đầu vượt ngưỡng 2 nghìn tỷ USD

Chi tiêu quân sự thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, với việc Mỹ chuyển trọng tâm sang các công nghệ mới thay vì chi tiêu cho các hệ thống cũ.

Số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm thứ Hai (25/4) cho thấy các quốc gia trên thế giới đang tăng cường ngân sách quốc phòng trong 7 năm liên tiếp.

Quân đội Mỹ tiếp tục đầu tư vào các vũ khí thế hệ tiếp theo. Ảnh: AP

Bài liên quan

Gói quân sự thứ 2 trị giá 800 triệu USD cho Ukraine gồm những gì?

Chi tiết các khoản viện trợ quân sự 3 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine

Công nghệ quân sự hiện đại hỗ trợ Ukraine phòng thủ

Hai máy bay quân sự của Hàn Quốc va chạm, 3 người chết, 1 người mất tích

Tại Mỹ, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển quân sự tăng 24% trong giai đoạn 2012 - 2021, trong khi mua sắm vũ khí giảm 6,4% so với cùng kỳ. Năm ngoái, chi tiêu của Mỹ đối với cả hai khoản này đều giảm theo giá trị thực do lạm phát gia tăng.

Bà Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu thuộc chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI cho biết: “Việc gia tăng chi tiêu cho quân sự và quốc phòng trong thập kỷ 2012-21 cho thấy Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào các công nghệ thế hệ tiếp theo".

Báo cáo cho biết chi tiêu liên quan đến hạt nhân đã gia tăng lớn nhất trong các khoản mục ngân sách quân sự của Mỹ, phản ánh kế hoạch đại tu và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Washington.

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ cần phát triển thêm vũ khí thế hệ tiếp theo để duy trì lợi thế trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Năm quốc gia chi tiêu nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga và cùng nhau chiếm 62% chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2021.

Chi tiêu của Nhật Bản tăng 7,3% lên 54,1 tỷ USD, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 1972. Chi tiêu quân sự của Úc cũng tăng 4% vào năm ngoái, đạt 31,8 tỷ USD.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Nan Tian của SIPRI, những lo ngại về sức mạnh gia tăng của Trung Quốc đã trở thành động lực chính thúc đẩy chi tiêu quân sự ở hai nước nói trên. Ông chỉ ra những ví dụ như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 128 tỷ đô la Mỹ trong tương lai của Úc.

Chi tiêu của Ấn Độ đứng thứ ba và đã tăng 0,9% vào năm 2020, trong thời kỳ tranh chấp biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan. Báo cáo cho biết Ấn Độ đang ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và tự sản xuất vũ khí.

SIPRI nhận thấy chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 2,9% vào năm ngoái trong thời gian chuẩn bị cho cuộc xung đột Ukraine. Trong khi đó, Ukraine tăng chi tiêu quân sự lên tới 72% kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ở châu Âu, Anh và Pháp đều tăng hai bậc, lần lượt trở thành những nước chi tiêu lớn thứ tư và thứ sáu cho quân sự vào năm ngoái.

Hoàng Nam (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-tieu-quan-su-toan-cau-lan-dau-vuot-nguong-2-nghin-ty-usd-post191664.html