Chi phí mua điện bị đội nghìn tỷ đồng, xử lý kinh tế thế nào?

Số tiền mà EVN phải thanh toán cho 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng khoảng 1.481 tỷ đồng; chưa kể giá mua điện vượt khung với một số dự án thủy điện… Vậy những sai phạm trên cần xử lý kinh tế thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện?

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm của Bộ Công Thương khi tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong phát triển điện mặt trời. Theo quy định, đối tượng được áp dụng mức giá 9,35 UScent/kWh là các dự án điện năng lượng mặt trời với công suất thiết kế là 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai, nhưng Bộ Công Thương đã tham mưu khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, theo đó đối tượng áp dụng đã được mở rộng là các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP là trái với nội dung Nghị quyết.

Giá mua điện bị 'đội' thêm nghìn tỷ đồng

Từ việc tham mưu mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế khuyến khích, dẫn đến 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng. Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương.

14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với quy định.

Cùng với đó, thực hiện các quy định của pháp luật về giá mua điện, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, tháng 5/2014, Công ty Mua bán điện (EPTC, thuộc EVN) và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam ký hợp đồng mua bán với giá tạm tính 1.740 đồng, vượt khung giá quy định là chưa đúng quy định của Luật Điện lực (quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành).

Sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực, tuy nhiên, Cục này chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm soát độc lập thực hiện thiếu tin cậy. Do đó, giá mua điện đang thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật.

Từ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến việc đàm phán kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.

Tương tự, giá mua điện EPTC đàm phán với Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ - chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 4 - là 1.271,84 đồng/kWh, vượt 17% khung giá năm 2015. Tháng 7/2022, EVN và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ đã ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, trong đó giá chính thức là 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung với nhà máy thủy điện năm 2019.

Những tồn tại, vi phạm này dẫn tới việc đàm phán, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 và Sông Bung 4 kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tham mưu ban hành thời hạn áp dụng giá FIT đối với các dự án điện mặt trời nối lưới 20 năm là quá dài so với thời gian thu hồi vốn đầu tư và chưa phù hợp với lộ trình phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh (theo báo cáo của đơn vị tư vấn, thời gian thu hồi vốn đầu tư khoảng 8 năm), không thuyết minh rõ lợi nhuận của dự án trong 20 năm để làm cơ sở so sánh với các dự án nguồn điện khác là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 21 Luật Giá.

Đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định quản lý điện mặt trời, điện gió, trong đó nghiên cứu để sửa đổi, điều chỉnh rút ngắn thời hạn áp dụng giá FIT đối với các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà, đảm bảo phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với quy định.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu chỉ đạo EVN làm việc với Công ty CP Thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, trên cơ sở đó các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết Điện lực và Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và nhà máy thủy điện Sông Bung 4 A.

Đồng thời, chỉ đạo EVN thực hiện đàm phán lại giá mua điện của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả của kiểm toán Nhà nước.

Một chuyên gia trong ngành năng lượng cho rằng việc các dự án không đúng đối tượng được hưởng giá ưu đãi là trách nhiệm thuộc về cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Phương án xử lý có thể không thực hiện hồi tố, tức truy thu lại tiền của nhà đầu tư trong giai đoạn trước đây để tránh tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư. Tuy nhiên, cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, thương lượng lại với những nhà đầu tư đã được hưởng giá ưu đãi, không kéo dài thực hiện trong 20 năm.

Đáng lo ngại, những sai phạm trên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư vào năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng cần thống nhất chung giữa các chính sách phát triển điện gió chung giữa trung ương và địa phương. Ngoài ra, không hồi tố chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển…

Ông Sơn cho rằng, sau những bước phát triển thần kỳ về đầu tư năng lượng tái tạo, hiện Việt Nam đang bị chậm lại trong khi các quốc gia trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư về năng lượng tái tạo thông qua các chính sách và đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.

“Yếu tố kiên quyết lúc này chính là chính sách giá đối với điện tái tạo làm sao để kéo vốn tư nhân vào phát điện, truyền tải và xây dựng trung tâm lưu trữ pin lớn cần được nhắc đến”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió và điện mặt trời rất lớn, tuy nhiên đó chỉ là tiềm năng, tính đến tháng 9/2023, theo Bộ Công Thương, tổng công suất điện mặt trời, điện gió trong tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam mới chỉ đạt 13,8%. Trong khi đó, các nguồn điện lớn như nhiệt điện, thủy điện lớn, vừa của Việt Nam đã phát triển quy mô cực đại. Nguy cơ thiếu điện miền Bắc các năm 2024, và những năm tiếp theo đã được đưa ra nếu thủy điện vẫn thiếu nước như năm 2023.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chi-phi-mua-dien-bi-doi-nghin-ty-dong-xu-ly-kinh-te-the-nao-1097576.html