'Chỉ là tôi vô cùng tò mò' - câu nói của Einstein vào đề thi học sinh giỏi Ngữ Văn

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về câu nói của Einstein 'Tôi không hề có tài năng gì cả chỉ là tôi vô cùng tò mò'.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh, trong đó đề Ngữ văn đáng chú ý.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về câu nói của Einstein "Tôi không hề có tài năng gì cả chỉ là tôi vô cùng tò mò", nhận được nhiều sự yêu thích của học sinh và giáo viên.

Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội đề Ngữ văn

Giới thiệu vấn đề phát biểu của Einstein, bình luận vấn đề, xem xét đánh giá vấn đề ở các góc độ khác nhau bằng lý lẽ thuyết phục và dẫn chứng phù hợp.

Rút ra ý nghĩa lời phát biểu: "Tài năng" là tập hợp những tố chất bẩm sinh hoặc tích lũy được giúp cho chủ nhân của các tố chất đó thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ, công việc trong cuộc sống. "Tò mò" là sự tìm tòi, hiếu kỳ để lý giải, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, biết về điều gì đó, vấn đề nào đó.

Như vậy, Einstein muốn đề cao giá trị của sự tò mò - tác nhân thúc đẩy sự hiểu biết, khơi gợi và phát triển năng lực bản thân.

Tò mò là nhu cầu tâm lý tất yếu của mỗi người, bởi vì thế giới khách quan và bản thân con người luôn là những điều bí ẩn, khó nhận thức, hiểu biết đầy đủ trọn vẹn, cho nên con người luôn có nhu cầu tìm hiểu, lý giải về thế giới, bản thân người khác.

Tò mò với mục đích tích cực sẽ là động lực để suy nghĩ, hoạt động tìm kiếm lời giải đáp cho vấn đề nào đó, giúp tư duy không ngừng phát triển, hiểu biết có khả năng được mở rộng.

Tò mò tích cực giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống vô cùng ý nghĩa, khiến bản thân khám phá được những điều mới lạ về chính mình và thế giới xung quanh. Xét ở trường mực nào đó, tò mò có thể là cơ sở để tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người, nhằm mục đích tìm hiểu để thấu cảm, trân trọng, yêu quý, giúp đỡ nhau.

Tuy vậy, sự tò mò cần có chừng mực, tránh vì mục đích tiêu cực vì dễ gây phiền cho người khác, phá vỡ nhiều mối quan hệ, trở thành nếp xấu, thậm chí rơi vào nguy cơ tội lỗi, phạm pháp.

Thí sinh rút ra bài học cho bản thân, thông điệp cho mọi người, tò mò là nên hay không tùy vào hoàn cảnh và mục đích của nó, đừng vì tò mò thái quá mà đánh mất chính mình.

Albert Einstein là ai?

Albert Einstein (1879-1955) được coi là một trong những nhà Vật lý vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Einstein nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát. Ngoài ra, ông cũng có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lý thuyết cơ học lượng tử.

Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lý năm 1921 vì những đóng góp của ông cho Vật lý lý thuyết và đặc biệt là vì khám phá ra định luật Hiệu ứng quang điện, một bước quan trọng trong sự phát triển của thuyết lượng tử.

Trong suốt cuộc đời của mình, Einstein đã xuất bản hàng trăm cuốn sách và bài báo. Ông đã viết hơn 300 bài báo khoa học và 150 bài báo phi khoa học. Năm 2014, các cơ quan lưu trữ đã công bố nhiều bài báo đặc biệt của Einstein bao gồm hơn 30.000 tài liệu độc đáo.

Einstein không chỉ là nhà Vật lý nổi tiếng mà ông còn rất đam mê âm nhạc. Trong nhật ký của mình, ông từng viết: "Nếu tôi không phải là một nhà Vật lý, có lẽ tôi sẽ là một nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ về âm nhạc. Tôi nhìn cuộc sống của mình qua âm nhạc...

Tôi có được niềm vui trong cuộc sống chính là từ âm nhạc".

Albert Einstein qua đời vào năm 1955, hưởng thọ 76 tuổi. Trước khi ra đi, ông đã yêu cầu thi thể của mình được hỏa táng nhưng nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng Thomas Harvey đã giữ lại bộ não của Albert Einstein với hy vọng mở khóa những bí mật về tài năng của nhà Vật lý lỗi lạc này.

Câu nói của Einstein: "Tôi không hề có tài năng gì cả chỉ là tôi vô cùng tò mò" từng gợi cảm hứng học hành cho rất nhiều người trên thế giới.

Đề thi Ngữ văn chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chi-la-toi-vo-cung-to-mo-cau-noi-cua-einstein-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-17924012010450307.htm