Chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh

Sau 2 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm, chiều 6/12, HĐND tỉnh Cà Mau tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 12.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải khẳng định năm 2023, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X.

Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là thời điểm tỉnh tăng tốc thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhằm đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 20121-2025, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lưu ý: Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp để có phương án chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Trong đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, khắc phục thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đảm bảo đúng nguyên tắc; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính...

“Ngay sau kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh báo cáo đầy đủ kết quả kỳ họp đến với cử tri; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết”, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu.

Kỳ họp lần này đã quyết nghị thông qua, ban hành 26 nghị quyết trên các lĩnh vực, trong đó có 14 nghị quyết cá biệt và 12 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Các đại biểu HĐND tỉnh quyết nghị ban hành 26 Nghị quyết trên nhiều lĩnh vực.

Chủ động ngăn ngừa ngay từ đầu về tham nhũng

Trước đó, trong phiên thảo luận, quan tâm đến việc thiếu giáo viên, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp trong đào tạo, thu hút nguồn lực; cải thiện chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư; giảm chi phí đầu tư sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; có giải pháp ngăn chặn hành vi lừa đảo trên môi trường không gian mạng…

Nói về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra, tự giám sát trong nội bộ từng cơ quan phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì hầu như rất ít; xử lý không kịp thời. Cần xem trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, làm tốt ngay từ ban đầu nhằm ngăn chặn.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ quyết tâm của tỉnh trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong thời gian tới tại phiên thảo luận.

“Ngày 8/12 tới đây, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng có buổi họp đánh giá cuối năm, sẽ kiểm điểm sâu sắc, phân tích rõ các nguyên nhân, có chỉ đạo rõ hơn, cụ thể hơn, quyết liệt và chặt chẻ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Tiến Hải thông tin.

Năm 2024, quyết tâm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội

Trước đó, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng tội phạm năm qua có tăng, có giảm. Tuy nhiên, trên lĩnh vực trật tự xã hội năm nay tăng cao, nguyên nhân phát sinh tội phạm nhiều là do những phát sinh xã hội, lao động và việc làm gặp nhiều khó khăn… Trên thực tế, việc bố trí công an chính quy cấp xã đã mang lại những hiệu quả tích cực, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý triệt để tình hình tội phạm và tệ nạn ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Sơn Ca chất vấn Giám đốc Công an tỉnh về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

“Năm 2024 chắc chắn tội phạm và tệ nạn xã hội sẽ giảm”, Đại tá Sỹ khẳng định, vì cho cho rằng có nhiều yếu tố xã hội ngày càng tốt hơn, như xây dựng nông thôn mới ngày càng tiến bộ, có thêm nhiều lao động tìm được việc làm, sản xuất phát triển, đời sống kinh tế nâng cao, kéo theo ý thức và trách nhiệm của công dân với các vấn đề của xã hội tiến bộ hơn thì tình hình vi phạm pháp luật sẽ hạn chế, tội phạm và tệ nạn xã hội tất yếu sẽ giảm.

Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh nêu các giải pháp trong kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thời gian tới, trong đó khẳng định năm 2024 tình hình này sẽ giảm.

Đối với tội phạm công nghệ cao trên môi trường không gian mạng, theo người đứng đầu ngành công an tỉnh, dù lực lượng chức năng đã và sẽ quyết tâm làm nhưng vẫn còn cái khó, vì thế mọi người dân khi có giao dịch trên lĩnh vực này cần phải hết sức thận trọng, chính xác. Về nội dung này, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông liệt kê hàng loạt các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời nêu ra các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có thu hồi, xóa bỏ các “sim rác”.

Xác định công tác đảm bảo an ninh - trật tự là công việc chung, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết địa phương không đùn đẩy trách nhiệm, đã thành lập nhiều tổ, đội, nhóm đảm bảo an ninh, trật tự địa phương và đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Lạc, việc đánh giá tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn có thật sự chuyển biến tích cực hay không thì phải bắt nguồn từ sự an tâm của người dân trong mọi hoạt động từ đời sống, sản xuất, đồng thời mong muốn cần có đánh giá hiệu quả việc tăng cường công an chính quy về hoạt động tại cơ sở.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển nêu sự chủ động của địa phương trong đảm bảo an ninh - trật tự trên địa bàn.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lưu ý ngành công an, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm biện pháp phòng ngừa, làm thật tốt trong quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, xử lý thông tin kịp thời, nhanh, phù hợp, không để tội phạm xảy ra và ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt các phong trào đảm bảo an ninh - trật tự địa phương, nhất là phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhân dân phải đồng lòng ngăn ngừa, triệt phá tội phạm và tệ nạn xã hội.

Nhiều giải pháp giảm dần khai thác thủy sản tận diệt

Trả lời về tình hình khai thác thủy sản tận diệt, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thực trạng này diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt việc sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện và các ngư cụ cấm vẫn còn diễn ra nhiều nơi, kể cả trên biển và trên các khu vực nội đồng đã làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng bị suy giảm cả về thành phần loài, trữ lượng và kích thước.

Qua tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản mang tính tận diệt, phát hiện một bộ phận ngư dân sử dụng ngư cụ cấm, kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc. Chỉ tính riêng việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ở khu vực nội đồng giai đoạn 2005-2013 là 309 vụ/trên 2,7 tỷ đồng, các vụ việc tập trung trên các vùng cửa sông, cửa biển với các hình thức xiệt điện trên các tàu cá, te, vỏ lãi. Giai đoạn 2013-2023, xử phạt 901 vụ/trên 3 tỷ đồng đồng, vụ việc xảy ra chính là trên sông, rạch và trên các ao, hồ, kênh, rạch, nhất là trên các ruộng lúa khi vào mùa thu hoạch.

“Nguyên nhân là do một số bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn, dân di cư từ các tỉnh khác đến, không có nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn còn thấp nên coi đây là kế sinh nhai, khai thác với mọi hình thức, các nghề khai thác tận thu nguồn lợi thủy sản để kiếm sống”, ông Phan Hoàng Vũ nêu thực trạng.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngành xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện Phương án thí điếm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); Xây dựng Phương án thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cáp kết hợp chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động trái phép ở vùng biển ven bờ tỉnh Cà Mau; Thành lập Khu bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng, Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau và Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (hình thành từ khu thả rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ thuộc vùng biển Tây tỉnh Cà Mau).

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT nêu các giải pháp giảm thiểu các hình thức khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Về trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp nhằm phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh, ông Phan Hoàng Vũ cho biết ngành NN&PTNT tiếp tục cụ thể hóa các định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với mục tiêu từng bước giảm dần cường lực khai thác, hạn chế các nghề ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn lợi, hệ sinh thái biển; hướng đến phục hồi và cân bằng nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên; góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và phát triển sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.

“Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về thủy sản, nhất là các quy định nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, phương tiện, ngư cụ, nghề khai thác có tính hủy diệt, tận diệt thủy sản; vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Phan Hoàng Vũ nêu giải pháp.

Cùng với đó, ngành NN&PTNT tham mưu xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường trên cơ sở tái cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng nguồn lợi tự nhiên hiện có của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh thành lập mới Khu dự trữ thiên nhiên Đầm Thị Tường, Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau, Khu bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng huyện U Minh và các khu vực thủy sản cư trú nhân tạo tại vùng biển ven bờ của tỉnh.

Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Cà Mau, thông tin công tác phối hợp với các lực lượng trong ngăn chặn khai thác tận diệt hải sản.

Về thực trạng sử dụng công cụ khai thác thủy sản tận diệt, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị cần chấm dứt ngay tình trạng này, đồng thời phát động trong toàn dân giao nộp dụng cụ khai thác tận diệt; xử lý nghiêm minh hành vi khai thác tận diệt. “Mọi người dân hưởng ứng, tiến tới chấm dứt khai thác tận diệt để bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn lợi bền vững cho mai sau”, ông Nguyễn Tiến Hải kêu gọi.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chi-dao-quyet-liet-dam-bao-thuc-hien-hoan-thanh-cac-chi-tieu-nghi-quyet-hdnd-tinh-a30366.html