Chỉ còn Việt Nam và Campuchia chưa có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

“Hầu hết các nước và ngay cả tại khu vực Đông Nam Á là Lào đều có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ còn mỗi Việt Nam và Campuchia chưa có”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Trong phần giải trình về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trước Quốc hội sáng 22/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, DNNVV hiện nay chiếm 97% trong tổng số hơn 610.000 doanh nghiệp tại Việt Nam và thực trạng đang hết sức khó khăn trong việc tiếp cận về mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ, mặt bằng, thị trường, tư vấn đào tạo, thông tin…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phần giải trình trước Quốc hội về Luật Hỗ trợ DNNVV

“Hầu hết các nước và ngay cả tại khu vực Đông Nam Á là Lào đều có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ còn mỗi Việt Nam và Campuchia chưa có. Hiện ở Việt Nam, tất cả văn bản pháp luật hiện nay đều nói đến doanh nghiệp nói chung mà không có một cái riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời các cơ chế chính sách đều rời rạc, không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Vì vậy việc luật hóa những chủ trương, chính sách cho đối tượng doanh nghiệp này là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thực tế, loại hình doanh nghiệp này rất nhỏ, chỉ có ít lao động, chỉ có ý tưởng mà không thể đầu tư, không thể ra nước ngoài xúc tiến đầu tư, mà phải dựa vào Nhà nước tạo dựng dịch vụ công đó để tiếp cận và hình thành lớn lên, đóng góp trở lại cho đất nước.

“Vì thế nếu chúng ta ko có hỗ trợ về ngân sách cho các doanh nghiệp này thì họ rất khó vươn lên. Nếu chúng ta không luật hóa thì chúng ta không thể giúp cho doanh nghiệp một cách khả thi nhất”, Bộ trưởng nói thêm.

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên tắc hỗ trợ là không vi phạm nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ. Hỗ trợ không phải hỗ trợ cái Nhà nước muốn, cái Nhà nước có mà là hỗ trợ cái doanh nghiệp cần, đồng thời hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

“Càng nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công thì càng có lợi cho sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp vừa hay nhỏ, Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo đã phân tích, cân nhắc rất nhiều nên theo doanh thu, theo vốn hay theo lao động. Doanh thu thay đổi thường xuyên nhưng vốn và lao động rất khó thay đổi.

Ví như, có một số loại hình doanh nghiệp trồng cây công nghiệp lâu năm thì những năm đầu họ không có doanh thu. Nếu chiểu theo quy định thì họ sẽ không thể tiếp cận hỗ trợ. Hiện quốc tế cũng sử dụng hai tiêu chí vốn và lao động để xác định.

“Vai trò và đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn song đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng đắn và có cơ chế thì họ rất khó có điều kiện vươn lên. Chúng ta đang mong muốn phát triển kinh tế đột phá, vậy thì phải tập trung đầu tư cho DNNVV. Và đối với Luật hỗ trợ DNNVV, chúng ta cần có tầm nhìn, tư duy chiến lược…”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận sáng nay, có 17 ý kiến phát biểu, 5 ý kiến tranh luận. Ngoài ra, còn 19 ý kiến khác đóng góp về Luật hỗ trợ DNNVV bằng văn bản do không đủ thời gian trình bày tại hội trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xác định "đã đến lúc không thể chần chừ được nữa!". Luật hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết, quan trọng và phức tạp, vì thế cần sự đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

“Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, tham khảo, nghiên cứu... để tiếp tục hoàn chỉnh Luật này và sẽ tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14”, Bộ trưởng Dũng cho hay./.

Hà Giang, Ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/chi-con-viet-nam-va-campuchia-chua-co-luat-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-219901.html