Chi 14.000 tỷ 'nuôi' các tổ chức đoàn thể: Không thể bao cấp mãi được!

Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, mặc dù “tiêu xài” ngân sách lớn nhưng các tổ chức đoàn thể đang hoạt động một cách “hành chính hóa” và kém hiệu quả. Vì vậy cần có chủ trương giảm “bao cấp”, dần chấm dứt việc trợ cấp ngân sách Nhà nước và để các tổ chức đặc thù này tự lo về tài chính.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến Dự án Luật về Hội. Ảnh: quochoi.vn

Ý kiến nêu trên được đưa ra tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến Dự án Luật về Hội, ngày 8/9.

Tại hổi nghị, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, trong tình hình ngân sách nước ta hiện còn nhiều khó khăn, do đó không thể “bao cấp” mãi cho các hội để hoạt động.

Vì vậy, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ hoặc bảo đảm chi phí, kinh phí cho các nhiệm vụ mà Nhà nước giao, không cấp kinh phí một cách tràn lan.

Đưa ra con số thống kê việc ngân sách Nhà nước hiện phải chi khoảng 14.000 tỷ cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, mặc dù “tiêu xài” ngân sách lớn nhưng các đối tượng này đang hoạt động một cách “hành chính hóa” và kém hiệu quả.

Do vậy, TS. Hoàng Ngọc Giao đề nghị nên có chủ trương giảm “bao cấp”, dần chấm dứt việc trợ cấp ngân sách Nhà nước và để các tổ chức đặc thù này tự lo về tài chính.

Cũng bày tỏ ủng hộ phương án dần xóa bỏ việc “bao cấp” ngân sách đối với các tổ chức đoàn thể, tuy nhiên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, khi dự án Luật đưa ra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, cần có sự giải thích rõ ràng trong báo cáo việc hỗ trợ kinh phí, ngân sách Nhà nước đối với các tổ chức đặc thù, tránh gây sự so sánh giữa các hội.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị xem xét từ “cấp” và “hỗ trợ” tại điểm b, khoản 1, Điều 28 dự thảo Luật: “kinh phí Nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao (nếu có)” với quy định tại khoản 5, Điều 6: “Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao”.

Một điểm chú ý khác, đó là theo dự thảo luật trình hội nghị thì luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích, đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị ở nước ta, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động.

Tuy nhiên, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, Điều 1 của dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định về các đối tượng của Hội, không cần quy định việc “Luật này không áp dụng đối với ai”.

GS. TS. Phạm Hồng Thái chỉ rõ, theo cách hiểu trong dự thảo Luật, Hội ở đây là các tổ chức xã hội, còn các đối tượng quy định ở khoản 3 Điều 1 như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân VIệt Nam…là các tổ chức chính trị- xã hội. Tương tự đối với các “cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam” cũng không cần quy định trong dự thảo Luật.

Hôm nay (ngày 9/9), Hội nghị đại biều Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật về hội.

Tổng hợp

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/chi-14000-ty-nuoi-cac-to-chuc-doan-the-khong-the-bao-cap-mai-duoc-140136.html