Chênh lệch về tốc độ phát triển Internet đã tới mức báo động

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ) sự chênh lệch về công nghệ Internet giữa các nước phát triển và đang phát triển đang trở nên ngày càng được nới rộng hơn. Đặc biệt, khi tốc độ Internet ở các nước phát triển ngày càng được cải thiện trong khi 52% dân số thế giới vẫn chưa có điều kiện để truy cập và tiếp cận với Internet.

Cơ quan chuyên trách của LHQ về tác động của phát triển công nghệ toàn cầu tới đời sống người dân, cho biết: Cải thiện điều kiện truy cập Internet là động lực chính cho nhiều mục tiêu xã hội khác. Tốc độ truy cập Internet toàn cầu hiện tại trung bình khoảng 7,2 megabit/s, theo một báo cáo về cách mà băng thông, điện thoại di động và các thiết bị công nghệ truyền thống khác được sử dụng trên toàn thế giới như thế nào.

Tuy nhiên, cũng theo những thống kê được LHQ công bố mới đây, con số trên chỉ đang che đậy sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Nói chung, tốc độ Internet của các nước phát triển đang ngày càng tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác.

Điển hình như, tốc độ truy cập trung bình của Hàn Quốc hiện tại vào khoảng 28,6 megabit/s và cũng đã có trường hợp tốc độ truy cập tối đa vượt trên 184 megabit/s tại Singapore. Ngược lại, tốc độ đường truyền ở nhiều nước đang phát triển, ví dụ như 1,5 megabit/s tại Nigeria vẫn chưa hề cải thiện được đáng kể từ lúc báo cáo băng thông rộng cuối cùng của LHQ được công bố vào năm 2016.

Bản báo cáo cho biết, khoảng cách lớn có thể xuất hiện do sự mất cân bằng sâu sắc về khả năng kết nối toàn cầu giữa các nước tiên phong, các nước mới bắt đầu và các nước đang trên con đường hội nhập.

LHQ cho biết sự khác biệt giữa các quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ cao hoàn chỉnh và các nước đang phát triển cũng càng trở nên sâu sắc do việc sử dụng công nghệ cao rộng rãi hơn có thể giúp đạt được nhiều mục tiêu xã hội khác.

Việc sử dụng rộng rãi các loại công nghệ thông tin và truyền thông có thể thúc đẩy tiến trình của mỗi quốc gia, ví dụ như xây dựng một nền nông nghiệp bền vững hay tăng cường dịch vụ sức khỏe cho người dân.

Đại diện của LHQ nhấn mạnh: “Các công cụ kỹ thuật số có thể tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ bệnh nhân, cung cấp thông tin y tế tốt hơn và giáo dục cho mọi người”. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn hơn một nửa dân số thế giới chưa có điều kiện truy cập Internet.

Sự khác biệt cũng được thể hiện rõ theo khu vực, vùng miền… Điển hình như các quốc gia châu Âu vẫn đứng đầu bảng với 76% dân số có điều kiện sử dụng Internet trong khi ngược lại tại châu Phi chỉ có 21,8% dân số đạt điều kiện tương tự.

Bản báo cáo kết luận: “Sự chênh lệch lớn về khả năng kết nối vẫn còn tồn tại, phần lớn là do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển công nghệ, khả năng chi trả cũng như thiếu kỹ năng hoặc thiếu cơ sở dữ liệu có liên quan”.

Đức Mạnh (Theo AFP, Foxnews)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/chenh-lech-ve-toc-do-phat-trien-internet-da-toi-muc-bao-dong-3830675-b.html