Check-in ở phố núi đại ngàn

Bạn sẽ làm gì, đi đâu khi chỉ có một ngày khám phá Gia Lai - một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và các lễ hội địa phương đầy sắc màu? Cùng chúng tôi check in những điểm đến hấp dẫn.

Thoạt nhìn qua thì có vẻ Gia Lai là một tọa độ ít điểm du lịch nhưng hóa ra nơi đây lại rất nhiều thứ níu chân du khách khám phá.

Theo thống kê, Gia Lai có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt. Những tàn tích qua hàng trăm triệu năm hình thành nên những kì quan thiên nhiên kì thú, nằm trong top những thắng cảnh tự nhiên đẹp nhất của Việt Nam như: Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp…

Núi lửa Chư Đang Ya: Ảnh Doãn Vinh

Cách trung tâm thành phố hơn 20km, núi lửa Chư Đang Ya là tọa độ yêu thích của hội mê khám phá thiên nhiên. Cụm từ “Chư Đang Ya” trong tiếng dân tộc J’rai có nghĩa là “củ gừng dại” và liên quan đến một câu chuyện cổ. Nằm giữa những thửa ruộng chữ nhật của ngôi làng Ia Gri, đây vốn là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm. Bạn có thể lựa chọn đi bộ lên hoặc thuê xe do người dân chở lên để khám phá toàn cảnh núi lửa. Theo chân những cậu bé bản địa trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi được dẫn đi vòng quanh miệng núi lửa, nghe những câu chuyện thú vị và chụp ảnh kỉ niệm. Dấu tích của nham thạch núi lửa để lại nơi đây là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ từ miệng núi cho đến thung lũng xung quanh khiến cây cỏ tại đây luôn xanh tốt.

Sau bữa trưa với những món ăn đậm chất Tây Nguyên, chúng tôi có 1 tiếng để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho hành trình khám phá buổi chiều. Gia Lai không chỉ có rừng cây, ao hồ hay núi non hùng vỹ mà còn có một địa danh check-in đậm chất Á Đông, chính là chùa Bửu Minh - một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Gia Lai. Chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa có đỉnh mái cao nhất ở Việt Nam với chính điện có diện tích khoảng chừng 520m2. Bên cạnh đó, chùa còn sở hữu tượng phật Thích Ca có độ cao hơn 3m ở tư thế ngồi thiền cùng pho tượng Phật Thích Ca trong thế nằm có chiều dài lên đến 11m. Phía sau lưng Chùa Bửu Minh có tượng một con rồng đang uốn mình vươn lên. Trên miệng rồng ngậm một chiếc lộng vàng che nắng cho Đức Phật. Không những vậy, từ ngoài vào trong chùa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp biết bao pho tượng Phật khác nhau như tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, Phật A Di Đà cùng các vị Văn Thù, Địa Tạng, Phổ Hiền...

Chùa Bửu Minh xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh: Ảnh: Xuân Tập

Cách nội đô Pleiku tầm 13km, con đường dẫn vào chùa Bửu Minh sẽ đi qua Biển Hồ Chè. Đây là trang trại trồng chè do người Pháp lập ra đầu tiên tại mảnh đất Gia Lai vào những năm 1920. Nằm trên cao nguyên Pleiku, Biển Hồ Chè ngập trong màu xanh mướt mát của những cây chè mọc theo hàng thẳng tắp và được tưới tiêu bởi nguồn nước từ hồ T’nưng. Vì nằm trên cao nguyên nên không khi tại đây lúc nào cũng trong lành và thời tiết cực dễ chịu. Đặc biệt, cung đường dài khoảng 800m dẫn tới Biển Hồ Chè đi qua thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh được bao quanh bởi hai hàng thông có tuổi đời hơn một trăm năm. Điểm đến này được ví là "con đường Hàn Quốc" ở Gia Lai - một địa điểm check-in yêu thích của hội mê chụp ảnh khi đến đây.

Hàng thông trăm tuổi: Ảnh: Xuân Tập

Dấu tích miệng núi lửa âm đặc trưng nhất có thể kể tới là Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), điểm đến huyền thoại của người Gia Lai. Cách thành phố Pleiku chỉ 7 km, đây vốn là một hồ nước ngọt tự nhiên có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Hồ nước rộng lớn này được hình thành từ 3 miệng núi lửa thông với nhau đã ngưng hoạt động, bao gồm hai hồ nước ngọt tự nhiên được ôm trọn bởi những cánh rừng thông xanh mướt và núi non trùng điệp. Có diện tích gần 300ha, Biển Hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc với làn nước xanh ngắt mang lại cảm giác cực mát mẻ, được xem là “lá phổi xanh”. Trong cái nắng cuối chiều, mặt trời đang từ từ lặn xuống, đứng trên dải đất hẹp chạy dọc giữa lòng hồ - một điểm ngắm cảnh lý tưởng, chúng tôi càng cảm nhận hơn “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” hấp dẫn đến nhường vậy.

Biển Hồ thành phố Pleiku: Ảnh: Xuân Tập

Thời tiết đặc trưng của Gia Lai mang đến sự đa dạng và rực rỡ cho cảnh sắc thiên nhiên suốt 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 4 năm sau là mùa khô vẫn được xem là thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch Gia Lai. Đặc biệt, tháng 11 và 12 là lúc trời trong nắng vàng, Gia Lai tràn ngập bởi sắc vàng của lúa chín, của hoa dã quỳ nở rộ.

Ngoài ra còn có những hoạt động thú vị diễn ra từ ngày 11 đến 19/11/2023 như: Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai, Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai, Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya, Giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn”, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ IV và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai….

Xuân Tập/ TTXTDL Gia Lai

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/check-in-o-pho-nui-dai-ngan-699055.html